Ai thực sự quyết định vận mệnh thị trường dầu mỏ toàn cầu?

Ảnh: Shutterstock

Giá dầu thấp đã cướp đi hàng tỷ USD doanh thu của quốc gia này, đe dọa xếp hạng tín dụng và chuyển từ trạng thái chủ nợ sang “con nợ” với kế hoạch vừa được công bố sẽ vay nợ ngân hàng 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, Ả Rập Saudi vẫn kiên định không nhân nhượng trong cuộc chiến đối với các nhà sản xuất dầu mỏ chi phí cao, mặc dù những thiệt hại do giá dầu thấp gây ra đối với tình trạng tài chính của quốc gia này là không nhỏ.

Trong cuộc họp diễn ra vào ngày 17/4 tại Doha, Thủ đô Quatari, Ả Rập Saudi đã chặn đứng thỏa thuận giữa OPEC và các nhà sản xuất không thuộc OPEC, như Nga, trong việc phục hồi giá dầu thông qua “đóng băng” sản lượng ở mức của tháng 1.

Đạt được thỏa thuận này dường như là một điều không tưởng. Nga vẫn đang khai thác dầu ở những mức kỷ lục và không có cách nào để có thể giám sát sự tuân thủ của quốc gia này trong trường hơp đạt được thỏa thuận, Carole Nakhle đến từ công ty tư vấn Crystol Energy cho biết.

Hoàng tử Muhammad rõ ràng đã buộc các nhà đàm phán của mình “tránh xa” thỏa thuận này ngay trong thời điểm các bên có khả năng sẽ đặt bút ký, khẳng định rằng sẽ không đóng băng sản lượng nếu như Iran cũng sẽ làm tương tự. Bộ trưởng dầu mỏ của Venezuela bức xúc cho rằng “đoàn đàm phán của Ả Rập Saudi không có quyền quyết định bất cứ điều gì”.

Trong nhiều thập kỷ, chính sách của Saudi được đưa ra bởi những nhà đàm phán khéo léo như Ali al-Naimi, Bộ trưởng Dầu mỏ của Vương quốc này. Và hiện nay, đang trong tay của vị hoàng tử 30 tuổi, người cho rằng giá dầu thấp sẽ giúp quốc gia này có động lực để cải cách kinh tế và làm suy yếu đi Iran – kỳ phùng địch thủ của Ả Rập Saudi.

Một cách ngẫu nhiên, sự thất bại của Doha trùng hợp với sự khởi đầu của một cuộc đình công kéo dài 3 ngày tại Kuwait, đã tạm thời làm giảm sản lượng sản xuất dầu thô. Thực tế là giá dầu thấp đã phần nào làm giảm nguồn cung toàn cầu. Nguyên nhân của cuộc đình công tại Kuwait là do cắt giảm tiền lương trong khối nhà nước do thu ngân sách từ dầu giảm.

Công ty dịch vụ dầu khí Schlumberger, cho biết đang cắt giảm hoạt động ở Venezuela, bởi vì tập đoàn dầu khí nhà nước hiện đang ngập trong nợ, không thanh toán tiền phí cho công ty này. Các nhà giao dịch cũng cho biết không thể mở tín dụng thư để giao dịch với Venezuela.

Điều bất ngờ chính là việc “đóng băng” sản lượng đang diễn ra ở Mỹ, John Castellano của công ty tư vấn nợ Alix Partners cho biết. Các nhà sản xuất dầu đá phiến trước đây đã vay nợ quá nhiều để tăng sản lượng trong những năm tháng hoàng kim hiện đang trong trình trạng cận kề phá sản.

Kết quả là sản xuất dầu đá phiến đã giảm 600.000 thùng/ngày kể từ mức kỷ lục được ghi nhận trong năm ngoái, theo Cơ quan thông tin năng lượng, và đây chính là “điểm tựa” cho giá dầu./.

Mai Linh (Theo Economist)