Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh An Giang, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) và Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp triển khai thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu và đã đạt được kết quả tích cực. Việc áp dụng và xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu là quy định bắt buộc (dù là bán lẻ hay bán sỉ, giá trị của đơn hàng lớn hay nhỏ).
![]() |
Việc áp dụng và xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu là quy định bắt buộc. Ảnh: Hoàng Dương. |
Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số bộ phận doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn chưa thực hiện nghiêm các quy định này. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị xuất HĐĐT có kết nối dữ liệu giữa cột bơm nhiên liệu với máy tính, kết nối với cơ quan thuế, để lập hóa đơn từng lần bán hàng theo quy định.
Trước thực trạng đó, ngành Thuế tỉnh An Giang sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm quy định về đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và không thực hiện lập HĐĐT từng lần khi bán cho người mua hoặc lập HĐĐT không đúng thời điểm, không chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế.
Theo đại diện Cục Thuế tỉnh An Giang, hành vi không lập hóa đơn là hành vi gian lận, trốn thuế, đòi hỏi phải có những biện pháp xử lý thích ứng nhằm cương quyết xử lý vi phạm; đồng thời mang tính răn đe giúp người nộp thuế nâng cao tính tuân thủ đối với các quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế và đảm bảo công bằng trong thi hành pháp luật. |
Đại diện Cục Thuế tỉnh An Giang cũng thông tin, theo quy định hiện hành, đối với các hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn được áp dụng theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP: mức phạt thấp nhất là từ 3 triệu đồng và mức tối đa là đến 20 triệu đồng.
Trường hợp doanh nghiệp vi phạm có mức thuế trốn cao hoặc vi phạm nhiều lần, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị tạm dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu, nghiêm trọng sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ (tại Điểm c, Khoản 1, Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5/3/2024).
Đặc biệt, khi triển khai HĐĐT, cả cơ quan quản lý thuế, doanh nghiệp đều có thể truy cập nhanh chóng vào cổng thông tin xăng dầu của doanh nghiệp để tra cứu tất cả thông tin mua vào, bán ra, giúp cả hai phía thuận tiện trong việc kiểm soát, đối chiếu số liệu. Hơn nữa, việc ứng dụng các giải pháp HĐĐT sẽ giúp các đơn vị chuyển đổi số, thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao giá trị thương hiệu, hướng đến mục tiêu chung tạo môi trường minh bạch cho xã hội.