Áp thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ phù hợp xu thế, tránh thất thu thuế
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Phương Anh

Cần nghiên cứu đánh thuế nhập khẩu nhỏ, lẻ

Điều 1 Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT theo quy định của pháp luật.

Áp thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ phù hợp xu thế, tránh thất thu thuế

Ngành Thuế sẽ quản lý chặt nếu có quy định

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường các giải pháp quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, cả thị trường trong nước và xuyên biên giới. Việc bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT với những hàng nhập khẩu nhỏ, lẻ khi Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo sửa đổi, ngành Thuế và Hải quan sẽ triển khai các biện pháp để thực hiện quản lý chặt.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Tuy nhiên, hiện nay với sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Hàng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn TMĐT, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng. Với số lượng này, hàng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, tương đương một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng không thu được thuế.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội góp ý đề nghị Chính phủ nghiên cứu thu thuế GTGT đối với hàng hóa được luân chuyển qua các sàn TMĐT có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng. Cụ thể, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, lượng giao dịch hàng hóa giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần, vì vậy, cần cân nhắc bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Cùng với đó, đại biểu cũng đồng tình với nhiều ý kiến thảo luận là phải siết chặt và có quy chế để đánh thuế các mặt hàng TMĐT và các hàng gửi qua đường bưu điện đến người tiêu dùng, tạo công bằng cho doanh nghiệp trong nước và tránh thất thu thu thuế.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Đại biểu dẫn chứng, theo báo cáo của Tổng công ty Bưu chính viễn thông vào tháng 3/2023, hằng ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta qua các sàn TMĐT như: TikTok, Lazada, Shopee... được miễn thuế do giá trị của mỗi hàng hóa nhỏ, từ 100.000 - 300.000 đồng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, dù giá trị đơn hàng nhỏ, nhưng tổng số tiền mà các hàng hóa được miễn thuế này không nhỏ chút nào, nếu không đưa hàng giá trị nhỏ này vào quản lý thuế, ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ thất thu một khoản khá lớn. Theo đại biểu, trong thực tế, nhiều nước trên thế giới hay ở chính khu vực Đông Nam Á cũng đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Do vậy, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, cân nhắc việc đánh thuế GTGT phù hợp nhằm bảo đảm sự công bằng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu. Bởi lẽ, hàng hóa trong nước khi sản xuất ra vẫn bị điều tiết bởi thuế GTGT, trong khi hàng hóa nhập khẩu qua sàn TMĐT giá trị nhỏ lại không chịu loại thuế này trong giá bán, đó là điều bất hợp lý.

Nhiều nước bỏ quy định miễn thuế hàng giá trị nhỏ

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất nghiên cứu thu thuế GTGT ngay. Theo ông Thịnh, trong dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đang thảo luận và luật hiện hành cũng không quy định đối tượng này thuộc diện miễn thuế hay thuế suất 0%, mà thực hiện theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Chính phủ, nên không phải vướng ở luật.

Theo đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, Quốc hội hoặc Chính phủ nên có ý kiến về việc điều chỉnh Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg về việc miễn thuế với hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, logistics xuyên quốc gia nhằm tạo sự công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước và đặc biệt là tránh thất thu ngân sách.

Đại biểu dẫn chứng, theo số liệu của cơ quan Hải quan và Tổng công ty Bưu chính viễn thông, với sự phát triển của TMĐT, ước tính chúng ta có thể đạt 2 tỷ đơn hàng/năm. Với giá trị bình quân là 300.000 đồng/đơn hàng, tổng giá trị hàng nhập với đối tượng này khoảng 600.000 tỷ đồng/năm. Nếu áp thuế GTGT ở mức 10%, số thuế phải nộp phát sinh là 60.000 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD). Việc miễn thuế này, xét cho đến cùng, người tiêu dùng trong nước sẽ được giảm chi phí, hưởng lợi. Tuy nhiên, trong số những mặt hàng nhập về có rất nhiều mặt hàng mà các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân trong nước đang sản xuất được rồi, nên việc miễn thuế sẽ không bảo vệ được sản xuất trong nước.

Vì vậy, để bảo vệ sản xuất trong nước và trong môi trường thương mại toàn cầu hiện nay, nên áp dụng quy định có tính thuế GTGT với mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ thực hiện vận chuyển qua logistics xuyên biên giới. Việc thu thuế này cũng không hề khó, có thể dễ dàng thực hiện.

Với sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Hiện một số quốc gia trên thế giới đã bỏ quy định này.

Cụ thể, Liên minh châu Âu bỏ miễn thuế GTGT với lô hàng dưới 22 Euro. Anh bỏ quy định miễn thuế GTGT nhập khẩu có giá trị từ 135 Euro trở xuống từ ngày 1/1/2021. Hay Thái Lan, kể từ ngày 5/7, Thái Lan thu thuế GTGT 7% với tất cả hàng nhập khẩu, không phân biệt giá trị, quyết định này có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2024, nhằm đánh giá tác động trước khi đưa ra quyết định có nên gia hạn chính sách hay không. Còn Malaysia đã áp dụng thuế hàng hóa giá trị thấp ở mức 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 107 USD trở xuống trên các sàn TMĐT kể từ ngày 1/1/2024…

Áp thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ phù hợp xu thế, tránh thất thu thuế

BÀ NGUYỄN THỊ CÚC - CHỦ TỊCH HỘI TƯ VẤN THUẾ VIỆT NAM: Đánh thuế để đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ, phát triển mạnh mẽ, việc miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) với các loại hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam.

Thực tế, có tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế này mà đơn hàng được xé nhỏ còn vài ba trăm nghìn để trốn tránh thuế, gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách.

Về nguyên tắc, hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế GTGT và thuế nhập khẩu, giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Thế nhưng, giá bán hàng hóa nhập khẩu loại này đến tay người tiêu dùng trong nước thực tế lại không hề giảm, dù hàng không có thuế. Người mua hàng vẫn phải mua với giá như hàng sản xuất trong nước có thuế vì giá bán là do thỏa thuận giữa người mua và người bán. Chênh lệch này người bán sẽ được hưởng.

Điều này không chỉ gây thất thu rất lớn cho NSNN mà còn tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước và gây thiệt hại cho người mua hàng. Do đó, tôi đề nghị cần phải bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống, nhằm đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, ngăn chặn tình trạng thất thu NSNN.

Áp thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ phù hợp xu thế, tránh thất thu thuế

PGS.TS LÊ XUÂN TRƯỜNG - TRƯỞNG KHOA THUẾ VÀ HẢI QUAN, HỌC VIỆN TÀI CHÍNH: Hàng trong nước sẽ bị “đè bẹp” nếu vẫn miễn thuế hàng giá trị nhỏ

Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, bình đẳng với người kinh doanh truyền thống, đã đến lúc cần số hóa hoạt động quản lý, theo dõi, thu thuế với hoạt động kinh doanh buôn bán trên sàn TMĐT, mua bán online trên mạng xã hội như Facebook hoặc Zalo và các nền tảng mạng xã hội khác.

Theo quy định hiện hành, việc miễn thuế GTGT gắn với miễn thuế nhập khẩu được điều chỉnh bởi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu, đồng thời với việc miễn thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.

Việc duy trì chính sách miễn thuế trong khi hoạt động thương mại, kinh doanh đã thay đổi theo xu thế mới, sẽ khiến cho hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam thông qua các kênh TMĐT, lợi dụng chính sách miễn thuế để chia nhỏ đơn hàng, từ đó “đè bẹp” hàng trong nước và tạo sức ép lớn hơn cho các kênh bán lẻ nội địa. Thực tế này đặt ra yêu cầu, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường ứng dụng dữ liệu điện tử quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, chống thất thu ngân sách.

Áp thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ phù hợp xu thế, tránh thất thu thuế

ÔNG NGUYỄN VĂN ĐƯỢC -TTỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH KẾ TOÁN VÀ TƯ VẤN THUẾ TRỌNG TÍN: Bãi bỏ quy định miễn thuế hàng giá trị nhỏ càng sớm càng tốt

Quy định hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT gây bất bình đẳng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu qua các kênh khác.

Trong khi hàng sản xuất trong nước phải nộp thuế GTGT mà hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh lại được miễn là không công bằng. Mặt khác, hàng nhập khẩu qua đường hàng không, nhập khẩu bình thường cũng vẫn phải nộp thuế GTGT và thuế nhập khẩu.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi ngày có 4 - 5 triệu đơn hàng nhập về Việt Nam thông qua hoạt động TMĐT bằng dịch vụ chuyển phát nhanh. Do đó, để công bằng với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước và các nhà nhập khẩu hàng hóa không qua chuyển phát nhanh, chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng cần bãi bỏ càng sớm càng tốt.