bo

Cán bộ Hải quan Lào Cai kiểm tra thực tế hàng nhập khẩu.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Hải - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan).

* PV: Thực hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng, ngành Hải quan đã tổ chức nhiều địa điểm KTCN tập trung, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục KTCN cho các doanh nghiệp (DN). Ông đánh giá thế nào về tiến độ, chất lượng thực hiện của các bộ, ngành trong thời gian vừa qua?

- Ông Ngô Minh Hải: Từ đầu tháng 12/2015 đến nay, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng triển khai 9 địa điểm KTCN tập trung tại một số cửa khẩu thuộc 6 tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về KTCN liên quan đến các bộ, ngành.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính - trực tiếp là Tổng cục Hải quan đã chủ động làm việc với các bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNN, Bộ Công thương), hoàn thiện cơ sở pháp lý, thống nhất thu gọn các danh mục KTCN tại cửa khẩu, danh mục hàng hóa KTCN trong nội địa… Trong tháng 4, Tổng cục Hải quan huy động 30 cán bộ thông thạo nghiệp vụ phân loại, áp mã hàng hóa phối hợp với các bộ, ngành chức năng thực hiện rà soát 8.000 dòng hàng thuộc nhiều lĩnh vực, tại 8 cục hải quan tỉnh/thành phố có lưu lượng hàng hóa XNK lớn, nhằm rút gọn danh mục KTCN.

Đầu tháng 5, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản đôn đốc các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện các danh mục KTCN thuộc thẩm quyền quản lý.

hai

Ông Ngô Minh Hải

Quyết định 2026 yêu cầu các bộ, ngành chức năng rà soát, xây dựng và ban hành đầy đủ danh mục các mặt hàng thuộc diện KTCN theo hướng thu hẹp. Các cơ quan liên quan xác định những mặt hàng trọng điểm cần kiểm tra tại cửa khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế việc rà soát sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi quản lý của 13 bộ, ngành còn chậm so với yêu cầu (hoàn thành trong quý IV/2015 và quý I/2016).

Đến nay mới chỉ có 5 bộ đã ban hành văn bản thay thế 10/87 văn bản yêu cầu; trong đó có 3/10 văn bản thay thế chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu; các văn bản được ban hành ở cấp thông tư, quyết định của bộ. Chất lượng văn bản còn hạn chế.

* PV: Việc chậm ban hành thay thế văn bản liên quan đến KTCN làm ảnh hưởng như thế nào đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động XNK, thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan, thưa ông?

- Ông Ngô Minh Hải: Theo quy định pháp luật, để được thông quan hàng hóa XNK, DN phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định tại nhiều bộ luật, như: Luật Hải quan, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007, Luật An toàn thực phẩm 2010, Luật Thú y 2015… Tùy theo trường hợp cụ thể, để thông quan hàng hóa DN phải nộp và xuất trình cho cơ quan hải quan các chứng từ liên quan đến KTCN. Vì vậy, dù muốn cơ quan hải quan cũng không thể cho thông quan được, mà phải chờ có giấy KTCN.

Việc chưa thể đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa cho DN có nguyên nhân: Văn bản pháp luật về KTCN quy định danh mục mặt hàng phải kiểm tra quá nhiều nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; chưa ban hành đầy đủ danh mục hàng hóa kèm theo mã HS (mã hàng hóa); phạm vi mặt hàng phải KTCN tại cửa khẩu còn quá rộng; chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan KTCN trong việc quản lý hàng hóa của quá trình kiểm tra, chờ kết quả kiểm tra.

Do đó, một trong những ưu tiên đầu tiên của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính là phối hợp với các bộ, ngành sớm rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan về KTCN. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đã được đề ra trong kế hoạch triển khai Nghị quyết 19/2016 của ngành Hải quan. Tuy nhiên, tiến trình này chậm sẽ làm chậm tiến độ thực hiện đề án, chậm cải cách và chậm việc thông quan hàng hóa.

* PV: Như ông nói tiến trình này chậm có nguyên nhân quan trọng từ phía các bộ, ngành liên quan đến KTCN. Về phần mình, Tổng cục Hải quan đã và đang triển khai giải pháp nào để đẩy nhanh hơn, thưa ông?

- Ông Ngô Minh Hải: Trong thời gian từ 27/6 đến 2/7, Tổng cục Hải quan đã tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành với sự tham gia của đại diện các bộ: NN&PTNN, Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ.

Các đơn vị thực hiện rà soát lại toàn bộ kết quả và tiến độ triển khai việc sửa đổi, bổ sung 87 văn bản quy phạm pháp luật về KTCN, theo Quyết định 2026; đối chiếu với yêu cầu nêu trong Nghị quyết 19/2016. Qua đó, xác định các nội dung bộ, ngành đã đáp ứng được bao nhiêu yêu cầu, nội dung chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả quá trình rà soát, đánh giá là cơ sở để Bộ Tài chính làm việc, kiến nghị với các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Bộ NN&PTNN, Công thương rà soát 9 danh mục hàng hóa XNK thuộc các lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm…; kiến nghị theo hướng thu hẹp các danh mục hàng hóa phải KTCN tại cửa khẩu, chuyển kiểm tra chất lượng…; chuyển việc kiểm tra từ khâu thông quan sang khâu sau thông quan, nhằm rút ngắn thời gian giải phóng hàng hóa…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Bảo Châu - Hải Linh (thực hiện)