Đề xuất Nhà nước thu hồi đất với các dự án đô thị, thương mại quy mô từ 100 ha Nghiên cứu quy định điều tiết giá trị tăng thêm từ đất đai Làm rõ tiêu chí để đảm bảo chỉ thu hồi đất khi thật cần thiết

Khó rạch ròi lợi ích khi xác định dự án thu hồi đất

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), so với dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp trước, dự thảo luật lần này đã có sự thay đổi lớn, theo hướng mở rộng hơn các trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: một là thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; hai là, thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; ba là, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.

Đối với nhóm thứ ba, đại biểu tán thành quan điểm của Ủy ban Kinh tế, đó là quy định như tại điểm e và điểm g khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu sang các trường hợp đấu giá tạo lập quỹ đất và đấu thầu là chưa rõ ràng. Hơn nữa, Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất, bao gồm cả dự án nhà ở thương mại.

Trường hợp này rất khó để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không. Mặc dù theo quy định này, Nhà nước thu hồi đất để tạo lập quỹ đất nhằm thu địa tô chênh lệch, điều tiết nguồn lợi từ đất đai cho xã hội “nhưng rõ ràng thu hồi đất trong trường hợp này rất khó để chứng minh thuộc trường hợp thật cần thiết theo Điều 54 của Hiến pháp” - đại biểu nhận định.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc những trường hợp này và đề nghị hạn chế đến mức tối đa việc Nhà nước thu hồi đất thuộc nhóm thứ ba, nhất là những trường hợp có yếu tố thương mại chi phối hoặc đan xen.

Băn khoăn việc xác định lợi ích công cộng khi thu hồi đất cho dự án kinh tế
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định)

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, quy định tại điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác chưa rõ ràng. Đại biểu phân tích, xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất là một bài toán rất khó, nhất là nếu chỉ áp dụng phương pháp loại trừ, hoặc phương pháp xác định cụ thể.

Theo đại biểu, lợi ích quốc gia, công cộng và lợi ích ngoài công cộng cũng có những sự trùng lặp nhất định, cùng với sự phát triển của xã hội, một số lợi ích ngoài công cộng cũng có thể chuyển thành lợi ích công cộng và ngược lại. Khái niệm "lợi ích công cộng" như dự thảo luật là chưa bao quát và thực sự rõ ràng.

Để có lời giải cho vấn đề này, đại biểu cho rằng cần xác định ai là người sử dụng đất tiếp theo. Nếu là Nhà nước, tổ chức thuộc Nhà nước và người dân thì đó là mục đích công cộng, ngược lại nếu là doanh nghiệp thì phải xác định đó là ngoài mục đích công cộng.

Nêu thực tế công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm xử lý việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng các trường hợp để tránh lạm dụng trong thực tiễn. Nếu không quy định cụ thể hơn, đại biểu e ngại khi áp dụng thực tế lại phát sinh các hệ lụy pháp lý lẫn nhau, tạo những khoảng trống cho lợi ích nhóm, trục lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.

“Nguy cơ lợi ích nhóm có thể hình thành trong công tác giải phóng mặt bằng bắt đầu từ khái niệm “dự án phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng”, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Khái niệm không rõ ràng trong luật đang vô tình tạo điều kiện cho những lợi ích nhóm thâu tóm đất đai với giá thấp, lợi ích sẽ bỏ vào túi một nhóm nào đó, trong khi Nhà nước và người dân không được lợi”, đại biểu nói.

Dự án thực hiện theo quy hoạch đều là dự án phát triển kinh tế - xã hội

Tranh luận với các quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) không đồng tình với việc phải để cho người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Băn khoăn việc xác định lợi ích công cộng khi thu hồi đất cho dự án kinh tế

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội)

Đại biểu phân tích, đất đai do nhà nước quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, không quy hoạch vì lợi ích cá nhân. Như vậy, bất kể một dự án nào thực hiện quy hoạch đất đai của Nhà nước đều là dự án thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, dù là tư nhân hay Nhà nước thực hiện.

“Bất kể dự án nào Nhà nước đã phê duyệt thì đấy thuộc dự án đủ điều kiện là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì quốc gia, công cộng, có thể được thu hồi, đấy là điều kiện đủ” - đại biểu nhấn mạnh.

Còn về điều kiện cần, theo đại biểu, nếu nhà nước thu hồi xong, để cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư, đạt sự đồng thuận của người dân, thì sẽ đạt được các hiệu quả về kinh tế, xã hội tốt hơn và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết 18.

Ngược lại, nếu để người dân với doanh nghiệp tự thỏa thuận thì rất nhiều yêu cầu, như yêu cầu về việc đảm bảo hài hòa lợi ích không được thực hiện, hoặc yêu cầu về tái định cư phải đảm bảo ổn định tốt hơn không được thực hiện. Chính vì vậy, đại biểu khẳng định, việc Nhà nước thu hồi và có phương án tái định cư tốt sẽ hiệu quả hơn là phương án để tự thỏa thuận.

Thu hồi đất qua thỏa thuận chưa có trình tự, thủ tục cụ thể

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra hai hình thức thu hồi đất. Một là Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Hai là thông qua thỏa thuận về nhượng quyền sử dụng đất.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), dự thảo quy định rất cụ thể, chi tiết về nội dung Nhà nước thu hồi đất, như về thẩm quyền thu hồi, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phân công nhiệm vụ thu hồi, tổ chức cưỡng chế... Tuy nhiên, với hình thức thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, dự thảo luật không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, dẫn đến thực tế là doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các dự án có liên quan đến đất đai tự thỏa thuận rất vướng mắc về trình tự, thủ tục trong việc thỏa thuận và thu hồi quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bố cục thành một mục riêng về thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, trong đó có các điều khoản quy định về trình tự, thủ tục thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên có liên quan.