Kịch bản nào cho thị trường bất động sản Việt Nam quý II/2023? Sớm hoàn thành bảng giá đất để hỗ trợ thị trường bất động sản Doanh nghiệp bất động sản chủ động tìm lối ra trong giai đoạn thị trường gặp khó

Bất động sản vướng giữa “rừng luật”

Sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, diễn ra từ 12/4 đến 14/4, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc cuối tháng 5 tới.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải lí do tại sao chương trình phiên họp diễn ra trong 2,5 ngày, trống 0,5 ngày làm việc là do dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) dù dự kiến trình UBTVQH cho ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ dù đã đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn xảy ra tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu dự án luật.

Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngành nghề kinh doanh bất động sản là một trong những yếu tố đảm bảo cho tăng trưởng của nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau. Động lực tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực này, các dự án khi đưa vào sử dụng liên quan đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mặt hàng của nền kinh tế.

Bổ sung quy định điều tiết khi thị trường bất động sản “đóng băng”, “tăng nóng”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện các chuyên gia, doanh nghiệp có ý kiến rất gay gắt vì giữa một “rừng luật” không biết vận dụng thế nào, thực hiện luật này lại vướng luật kia. Do đó, giai đoạn này sửa Luật Kinh doanh bất động sản là cần thiết, “nhưng rất khó, đòi hỏi sâu sát để đáp ứng yêu cầu, tránh trường hợp sửa xong rồi nhưng không tháo gỡ được vướng mắc của thị trường mà lại tạo ra những vướng mắc khác”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị các cơ quan và UBTVQH tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; nghiên cứu kĩ lưỡng vấn đề tính thống nhất của hệ thống pháp luật bởi dự án Luật này liên quan đến nhiều luật khác.

Giao dịch bất động sản phải thông qua sàn

Sau phần khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày, về quy định chung, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bổ sung các khái niệm mới như: dự án bất động sản, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Bổ sung quy định điều tiết khi thị trường bất động sản “đóng băng”, “tăng nóng”
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tham dự phiên họp

Đồng thời bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm mới như: thu tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng quy định; sử dụng tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật ban hành sau như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư và tình hình thực tiễn.

Đối với quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (Quản lý hoạt động môi giới, kinh doanh dịch vụ bất động sản, sàn giao dịch); xử lý vi phạm (tạm dừng giao dịch một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản, chấm dứt hoạt động của dự án bất động sản, đình chỉ, thu hồi giấy phép của sàn giao dịch bất động sản, chứng chỉ hành nghề môi giới) và làm rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

Bổ sung quy định về áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản và các luật khác có liên quan để xác định rõ việc áp dụng pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; đồng thời là nguyên tắc giải quyết khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo…

Bổ sung quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. Sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành về các loại bất động sản đưa vào kinh doanh, đồng thời làm rõ hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản với việc chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh nhằm bảo đảm tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động kinh doanh bất động sản, thị trường và tính kết nối thông tin.

Một điểm mới hoàn toàn tại dự thảo là nội dung Chương IX về Điều tiết thị trường bất động sản, gồm 4 điều (từ Điều 83 đến Điều 86) quy định về: nguyên tắc điều tiết thị trường bất động sản; các trường hợp cần thiết thực hiện điều tiết thị trường bất động sản; đánh giá tình hình thị trường bất động sản; biện pháp điều tiết thị trường bất động sản. “Các quy định này nhằm điều tiết, bình ổn thị trường bất động sản trong các trường hợp khi thị trường tăng trưởng nóng, đóng băng” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

Bên cạnh đó, về kinh doanh bất động sản, dự thảo Luật bổ sung quy định về nguyên tắc trong kinh doanh dịch vụ bất động sản; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn; điều kiện đối với người quản lý, điều hành sàn; đăng ký hoạt động của sàn; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản; điều kiện thành lập đối với cơ sở đào tạo. Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện thành lập của sàn giao dịch bất động sản; nội dung hoạt động của sàn; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới; thù lao của cá nhân môi giới…

Điều tiết trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường

Dự thảo quy định nguyên tắc thực hiện điều tiết thị trường bất động sản phải đảm bảo trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan và lợi ích của Nhà nước.

Điều 84 của dự thảo quy định về các trường hợp cần thiết đề xuất việc điều tiết thị trường bất động sản là: Khi thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu sản phẩm; Thị trường bất động sản biến động bất thường ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội (tăng, giảm bất thường về lượng giao dịch, giá giao dịch); khi xuất hiện yếu tố bất thường về thiên tai, địch họa, khủng hoảng… Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết về các giải pháp thực hiện điều tiết thị trường.