Nỗ lực thích ứng để vượt qua thách thức

Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào giai đoạn khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp (DN) BĐS là bên liên quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khi vào thế buộc phải thích ứng để tồn tại, giải pháp được nhiều DN thực hiện là tái cấu trúc danh mục đầu tư, thanh lý tài sản, thoái vốn tại một số dự án; tái cấu trúc dòng tiền và các khoản nợ vay, gia hạn trái phiếu, chậm trả lãi trái phiếu, thanh toán công nợ bằng sản phẩm BĐS cho đối tác, dừng hỗ trợ lãi suất vay mua BĐS cho khách hàng. Cá biệt, có DN mở bán dự án chưa đủ pháp lý để huy động vốn.

Doanh nghiệp bất động sản chủ động tìm lối ra trong giai đoạn thị trường gặp khó
Liên kết, mở rộng hợp tác là một trong nhiều giải pháp của các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Đỗ Doãn

Về kinh doanh, ghi nhận cho thấy đã có nhiều DN tăng chính sách ưu đãi đặc biệt cho khách hàng để kích cầu, giãn tiến độ thanh toán, thời gian trả chậm từ 3-5 năm, chiết khấu thanh toán nhanh từ 15% - 49%... Các DN cũng tái cấu trúc ngành nghề, định hướng sản phẩm, lộ trình xử lý pháp lý dự án và công tác bán hàng, mở rộng hợp tác, thu hút nguồn vốn từ tổ chức nước ngoài, thay đổi, cắt giảm định biên nhân sự; thay đổi lãnh đạo cấp cao...

M&A và mở rộng hợp tác đang trở thành xu hướng của các chủ đầu tư (CĐT) lớn tại Việt Nam với các CĐT nước ngoài. Các CĐT nước ngoài luôn chuẩn bị nguồn tài chính sẵn sàng để hợp tác khi có cơ hội. Đây chính là kết quả của sự phát triển bài bản, định hướng và chiến lược rõ ràng. Ví dụ điển hình như: Khang Điền hợp tác với Keppel Land phát triển các khu đô thị bền vững tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, các DN môi giới thực hiện tái cấu trúc toàn diện với những hành động như: Tái cấu trúc hệ thống, ngành hàng, sản phẩm; tạm dừng hoạt động các văn phòng, chi nhánh không hiệu quả; thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự; chuyển đổi cấu trúc chi phí bằng cách tối ưu chi phí hoạt động, chuyển đổi định phí sang biến phí, dịch chuyển từ mô hình trả lương cứng cho nhân viên kinh doanh sang mô hình trả lương theo sản phẩm giao dịch thành công, phát triển mô hình cộng tác viên.

Cũng có DN chuyển đổi mô hình kinh doanh với những giải pháp như đa dạng phân khúc sản phẩm phân phối; thay đổi, bổ sung dòng sản phẩm kinh doanh như tập trung vào phân khúc ở thực, BĐS cho thuê; bổ sung thêm các dịch vụ mới như tư vấn thiết kế nội thất, quản lý tài sản, bảo hiểm. Chuyển đổi phương thức kinh doanh từ tổ chức sự kiện bán hàng tập trung quy mô lớn sang nhiều sự kiện bán hàng quy mô vừa và nhỏ; tăng cường hoạt động liên kết, liên minh cùng làm thị trường để bán hàng…

Kỳ vọng lãi suất giảm và các chính sách ứng phó của Chính phủ phát huy hiệu lực

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, một số DN BĐS có kế hoạch mở bán dự án từ quý II/2023, với các động thái như cơ cấu nợ trái phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành BĐS theo Nghị định 08, tiếp tục cung cấp các chính sách bán hàng nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh lãi suất cao (vay không lãi suất, hỗ trợ lãi suất 2% - 5%...).

Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và các chính sách đất đai sắp tới. Ảnh Đỗ Doãn
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và các chính sách đất đai sắp tới. Ảnh: Đỗ Doãn

Trong khi đó, một số DN môi giới hoạt động với chiến lược tập trung nguồn lực vào các sản phẩm phù hợp xu hướng, đáp ứng nhu cầu ở thực nhằm tối ưu hóa mô hình kinh doanh, tối ưu chi phí hoạt động để tiếp tục vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường. Với môi giới BĐS cá nhân, tỷ lệ bỏ nghề quý I/2023 đã giảm so với 3 - 6 tháng trước. Ước khoảng 15% môi giới BĐS quay lại thị trường, tập trung phân khúc như cầu ở thực, cho thuê.

Theo nhận định từ các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), tăng trưởng tín dụng và chính sách sẽ là 2 yếu tố mang lại tác động tích cực và đẩy nhanh tiến trình xoay chiều cho thị trường BĐS trong năm 2023. Do mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng ở mức cao vào cuối năm 2022, nên tiền gửi là kênh hút vốn mạnh từ người dân, sau thời gian dài dòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản. Nhưng sang năm 2023, đến thời điểm đáo hạn các khoản tiền gửi, lãi suất không còn ở mức cao, nên khả năng nhà đầu tư sẽ quay lại thị trường BĐS là khá lớn.

Về chính sách, quý II và quý III/2023 với các yếu tố tác động như gói tín dụng gần 470.000 tỷ đồng, lãi suất từ 7% - 8% từ các ngân hàng thương mại hỗ trợ sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay mua nhà giảm từ 0,6% - 2,5%, dự thảo nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội… kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thêm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định sẽ giúp củng cố niềm tin cho thị trường.

‘‘Sang quý IV/2023, từ tháng 10, các văn bản luật sẽ được trình Quốc hội thông qua như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)… Dù sẽ có độ trễ để chính sách phát huy tác dụng và hiệu lực, nhưng khi những bộ luật này được thông qua, thị trường sẽ trở nên minh bạch, nhiều vướng mắc được tháo gỡ, thị trường BĐS sẽ có thêm nguồn cung mới để tăng trưởng…’’ - các chuyên gia của Viện FERI dự báo.

M&A bất động sản thu hút nhiều chủ đầu tư nước ngoài

Ghi nhận từ Viện FERI cho thấy, bên cạnh nhiều dự án đang được đối tác các bên tiến hành như vụ Frasers Property Vietnam hợp tác cùng Gelex Group triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc Việt Nam; SR mua cổ phần BW Industrial với quy mô tới 450 triệu USD… nhiều thỏa thuận hợp tác vẫn đang trong quá trình đàm phán, thể hiện mong muốn mở rộng của các chủ đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2022, Capita Land liên tiếp có nhiều hoạt động M&A tại miền Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...). Đầu năm 2023, chủ đầu tư này mở rộng ra phía Bắc, thực hiện đàm phán mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes và một dự án khác ở Hải Phòng. Trong năm 2022, đơn vị này đã liên tiếp thực hiện các thương vụ lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương (với Becamex TDC, EZ land), thì ở đầu năm 2023 lại có thông tin thực hiện M&A với một DN BĐS lớn.