Những biện pháp hỗ trợ về thuế giúp giảm bớt khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Những biện pháp hỗ trợ về thuế giúp giảm bớt khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại dự thảo mới này, Bộ Tài chính đã bổ sung nhiều ngành được gia hạn và gia hạn đối với số thuế thu nhập DN (TNDN) phải nộp năm 2019. Do đó, ước tính số tiền gia hạn thuế lên tới 80,2 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số tiền trước đó là hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Mở rộng đối tượng được gia hạn thuế

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, các DN được gia hạn thuế, gồm: DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành: nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (trừ sản xuất ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống).

Ngoài ra, các DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau được gia hạn: Vận tải đường sắt; vận tải hành khách bằng xe buýt; vận tải đường bộ khác; vận tải đường thủy; vận tải hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim.

Các DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng là đối tượng được gia hạn thuế.

Như vậy, các đối tượng tại dự thảo mới này đã bổ sung một số ngành bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, như: Giáo dục – đào tạo, y tế, hoạt động sáng tác nghệ thuật, giải trí, thể thao và các khu vui chơi…

Gia hạn thuế TNDN năm 2019 cho DN

Theo ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), điểm đáng chú ý tại dự thảo nghị định được trình Chính phủ, đó là bổ sung quy định gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN quyết toán của năm 2019.

“Theo Luật Quản lý thuế, DN phải quyết toán sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Đến nay đã đến thời điểm quyết toán của cơ quan thuế. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại, chúng tôi thấy rằng, để hỗ trợ trực tiếp cho các DN, chúng tôi đề xuất gia hạn tiền thuế TNDN phải nộp thêm theo quyết toán của năm 2019 và thời hạn gia hạn là 5 tháng. Theo số liệu chúng tôi nắm được ở các cơ quan thuế địa phương, các DN gửi hồ sơ quyết toán còn rất ít. Nếu DN đã nộp thì trừ vào khoản thuế khác nộp NSNN”, ông Phạm Đình Thi nói.

Dự thảo nghị định quy định: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 mà chưa nộp vào NSNN và số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II năm 2020 của DN, tổ chức thuộc đối tượng nêu trên. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định.

Ngoài ra, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý) của các DN, tổ chức nêu trên. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định.

Về tiền thuê đất, dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của DN, tổ chức, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm mà trên quyết định, hợp đồng cho thuê đất có mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế nêu trên. Riêng với DN nhỏ và siêu nhỏ thì được gia hạn toàn bộ tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của DN. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày 31/5/2020.

Trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế thuộc đối tượng được gia hạn thì DN, tổ chức được gia hạn toàn bộ số thuế GTGT, số thuế TNDN phải nộp; hộ gia đình cá nhân kinh doanh được gia hạn toàn bộ thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân phải nộp.

Để đơn giản hoá thủ tục hành chính và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế thì người nộp thuế chỉ gửi 1 lần Giấy đề nghị gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho toàn bộ các kỳ được gia hạn và thời hạn nộp Giấy đề nghị gia hạn chậm nhất vào ngày 30/7/2020.

Theo ông Phạm Đình Thi, vì mở rộng thêm đối tượng và bổ sung gia hạn đối với thuế TNDN phải nộp năm 2019, nên tổng số gia hạn trên 80 nghìn tỷ đồng. Các tháng gia hạn sẽ giảm nguồn thu ngân sách, nhưng sẽ nộp vào thời điểm cuối năm, nên về tổng thể, không tác động tới nguồn thu NSNN.

Ông Phạm Đình Thi cho biết, nghị định này có hiệu lực ngay sau khi ban hành, do đó DN phải hết sức lưu ý, phải xác định DN mình có nằm trong đối tượng gia hạn hay không để đề nghị gia hạn thuế. Thủ tục hết sức đơn giản, DN chỉ phải nộp đơn đề nghị gia hạn, cơ quan thuế sẽ gia hạn cho DN.

“Trong dự thảo lần này, có gia hạn thuế TNDN quyết toán của năm 2019, theo quy định của Luật Quản lý thuế, số thuế này phải kê khai, quyết toán sau 90 ngày kể từ khi kết thúc năm. Do đó, các DN phải nắm được tinh thần này, chờ quyết định chính thức của Chính phủ, như vậy DN sẽ được gia hạn 5 tháng”, ông Phạm Đình Thi cho hay.

Gia hạn thuế GTGT lớn nhất với 61.600 tỷ đồng


Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) thì số thu NSNN của các tháng đó giảm khoảng 61.600 tỷ đồng.

Tiếp đó, số thuế TNDN gia hạn khoảng 11.100 tỷ đồng. Trong đó: số thuế TNDN được giãn của DN thuộc ngành kinh tế khoảng 8.400 tỷ đồng; của DN nhỏ và siêu nhỏ khoảng 2.700 tỷ đồng.

Số thuế gia hạn đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh là khoảng 3.000 tỷ đồng.

Số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng.


* Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco:

Hỗ trợ về thuế sẽ khích lệ, động viên tinh thần cộng đồng DN

Luật sư Hà Huy Phong
Luật sư Hà Huy Phong

Việc xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thực hiện nghiêm túc, kịp thời những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ DN đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, điều này cũng thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đồng hành, hỗ trợ DN, nhằm vượt qua khó khăn. Đặc biệt, tôi cho rằng, những biện pháp hỗ trợ về thuế cho DN không chỉ có ý nghĩa giúp giảm bớt khó khăn cho DN ở thời điểm hiện tại, mà còn có ý nghĩa khích lệ, động viên DN nỗ lực nhanh chóng ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển khi dịch bệnh kết thúc.

Nếu tình trạng dịch bệnh còn kéo dài lâu hơn nữa thì nhiều DN buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động, rơi vào tình trạng phá sản. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc có các chính sách gia hạn các khoản tiền thuế, tiền thuê đất phải nộp giúp DN được giữ lại một khoản tài chính tương đối để bù đắp vào các khoản chi phí nhân công, chi phí quản lý… cũng như cân đối, tính toán nguồn tài chính, để DN có thể duy trì sản xuất ở mức tối thiểu nhằm duy trì sự tồn tại và sẵn sàng tinh thần cho việc vực dậy, đẩy mạnh phát triển sau khi dịch bệnh đi qua.

Đặc biệt, quan trọng hơn đó là niềm tin vào sự đồng hành của Chính phủ, Nhà nước, thể hiện trong hoàn cảnh khó khăn, cộng đồng DN không bị bỏ rơi và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách hỗ trợ về thuế sẽ khích lệ, động viên tinh thần cộng đồng DN nỗ lực vượt khó để cùng Chính phủ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

* PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:

DN cũng phải nỗ lực vượt khó

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Khi các chính sách này được ban hành sẽ có ý nghĩa, tác dụng hỗ trợ rất lớn đối với DN. Đối tượng DN được thụ hưởng chính sách như quy định tại dự thảo nghị định cho thấy, tất cả DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đều được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng DN nhỏ và vừa chiếm đến khoảng 97% trên tổng số DN, trong nhóm này lại chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến khoảng xấp xỉ 93 - 94%. Như vậy, có thể thấy sẽ có một bộ phận rất lớn DN được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.

Thêm vào đó, chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho DN cũng được bao phủ trong khá nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Điều đó cho thấy, nếu như có các chính sách hỗ trợ giãn, chậm nộp tiền thuế thì DN sẽ có thêm một phần nguồn lực tài chính trước mắt để cân đối, tính toán phục vụ cho việc duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN…

Tuy nhiên, càng trong hoàn cảnh khó khăn, những người chủ DN càng phải nỗ lực hơn gấp hai, gấp ba để “chèo lái” con thuyền DN của mình.


* Luật sư (LS) Choi Ji Ung - Giám đốc Công ty Luật ASEAN Law Firm:

“Điểm cộng” cho môi trường kinh doanh của Việt Nam

Luật sư (LS) Choi Ji Ung
Luật sư Choi Ji Ung

Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính đang có những động thái điều chỉnh và ban hành các chính sách, quy định mà theo tôi là phù hợp và kịp thời.

Việc gia hạn thời hạn hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước không những giúp đỡ DN vượt qua khó khăn, mà còn có thể được coi là một biện pháp hỗ trợ phát triển. Các đề xuất và giải pháp như dự thảo nghị định là cực kỳ cần thiết. Các lợi ích này có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm khó khăn hiện tại của DN. Đồng thời, cũng tạo niềm tin và tâm lý yên tâm cho các DN, trong đó có các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đó cũng là một “điểm cộng” khi đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tôi cho rằng bên cạnh việc tạo điều kiện để DN hưởng chính sách, Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn "hậu kiểm" chi tiết để chống việc lạm dụng chính sách. Đặc biệt chú trọng vào quy định liên quan đến các DN kinh doanh đa ngành nghề do các DN này chỉ cần có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng hưởng chính sách là sẽ được gia hạn toàn bộ số thuế phải nộp.

Minh Anh và nhóm PV (thực hiện)