Bộ Tài chính: Luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ để phòng ngừa tham nhũng
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Công khai, minh bạch trong các hoạt động

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN) là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi "non cao vẫn có đường trèo, đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi”.

Thấm nhuần tư tưởng đó, cùng với quyết tâm ngăn chặn PCTN, tiêu cực tại đơn vị, góp phần vào kết quả PCTN, tiêu cực của cả nước, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: thuế, hải quan; công tác tổ chức cán bộ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; công khai số liệu về nợ công; công tác thanh tra, kiểm tra…

Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính đều được đăng tải kịp thời trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và các đơn vị trong ngành để người dân thuận tiện tiếp cận, tra cứu và giám sát.

Minh bạch thông tin để ngăn chặn tham nhũng

Các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Bộ Tài chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tính đến ngày 14/6/2023, Bộ Tài chính đã triển khai 791 DVCTT, trong đó có 391 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT của Bộ Tài chính năm 2023 trước khi ban hành.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tài chính đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Kết quả, cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ cửa quyền, hách dịch gây phiền hà cho đơn vị.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 3.033 cán bộ (Tổng cục Hải quan 721 cán bộ; Tổng cục Thuế 2.321 cán bộ) để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) không rõ ràng cũng là nguyên nhân chính gây ra tham nhũng, tiêu cực. Không để tình trạng này xảy ra, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Lũy kế từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/6/2023, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 30 TTHC tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảo theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Phòng ngừa tham nhũng ngay từ đầu

Bộ Tài chính: Luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ để phòng ngừa tham nhũng

Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Ông Trần Huy Trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.

Để nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh PCTN, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt trong toàn ngành, ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Đồng thời, Bộ Tài chính tăng cường việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Cấp ủy các cấp, thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối về công tác PCTN tăng cường phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đặc biệt, theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, trong thời gian tới, Bộ Tài chính chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, PCTN. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ.

Ngành Tài chính thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan đã duy trì thực hiện các quy tắc ứng xử ban hành hàng năm công tác kiểm tra nội bộ có lồng ghép nội dung về thực hiện quy chế kiểm tra công vụ và xử lý kỷ luật. Triển khai hệ thống camera giám sát và Phòng Giám sát hải quan trực tuyến tại Tổng cục Hải quan, một mặt cho phép giám sát quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa, phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh; đồng thời kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hành vi tiêu cực của công chức hải quan.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế đã thực hiện 131 cuộc kiểm tra về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức đối với 236 đơn vị trực thuộc. Nhìn chung, việc thực hiện quy tắc ứng xử của công chức, viên chức của ngành Thuế đã có chuyển biến về mặt nhận thức; phong cách ứng xử trong hoạt động giao tiếp và thực thi công vụ giữa công chức với công dân và doanh nghiệp đã được cải thiện, góp phần hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

Kho bạc Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt nội quy quy chế của cơ quan và thực hiện 10 điều kỷ luật của hệ thống kho bạc và thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Quyết định số 2594/QĐ-KBNN ngày 7/6/2022.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện nghiêm túc quy định về quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong thi hành công vụ và quan hệ xã hội theo Quyết định số 33/QĐ-BTC ngày 8/1/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quy chế Văn hóa công sở theo Quyết định số 424/QĐ-UBCK ngày 1/7/2022 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhằm xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng hệ thống giá trị văn hóa công sở với mục tiêu nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ngăn ngừa PCTN, tiêu cực.