Phiên họp thứ 22 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Tổng Bí thư: Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng Quốc hội tập trung giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp

Trình bày báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ...

Chính phủ đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; phòng, chống tội phạm trong và sau dịch Covid-19. Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm.

Bộ Công an

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội

Trong khi đó, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh... Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%.

Tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực. Số vụ phát hiện giảm 39,54%, song số vụ khởi tố mới tăng 29,34%.

Đáng chú ý, tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch Covid-19; các cơ quan đã phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ, đường hàng không, chuyển phát nhanh. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các phương án tăng cường đấu tranh với tội phạm về ma túy trên các tuyến trọng điểm; rà soát, triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; quản lý chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy góp phần phòng ngừa tội phạm.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật. “Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo cho hay.

Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid -19 để trục lợi đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự tham gia của một số người nguyên là cán bộ cấp cao. Vẫn xảy ra tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, xảy ra trong thời gian dài. Tội phạm mua bán người qua biên giới Tây Nam đang diễn biến rất phức tạp. Một số vụ xâm hại trẻ em với hành vi dã man, có vụ việc chỉ khi xảy ra hậu quả chết người mới bị phát hiện.

Bộ trưởng Bộ Công an: Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97%
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Về công tác phát hiện xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2022, công tác phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế lớn liên quan đến thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần làm minh bạch hóa thị trường, xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự, kỷ cương, bảo đảm tính răn đe cao.

Tuy nhiên, kết quả phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp.

Công tác điều tra tội phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn và công tác thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2022 cũng có nhiều chuyển biến tích cực, một số nội dung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ công tác này vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 82,96%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam và công tác thi hành tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm; cá biệt đã xảy ra 3 trường hợp chết do cán bộ, chiến sỹ của cơ sở giam giữ dùng nhục hình. Vẫn còn 18 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Cho vay nặng lãi tăng 41,95%

Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp lưu ý một số loại tội phạm gia tăng như giết người tăng 13,17%, cho vay lãi nặng tăng 41,95%. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật. Hậu quả do loại tội phạm về trật tự xã hội gây ra tăng đã tăng 2,21% về số người chết, 1,76% về số người bị thương và 32,15% về thiệt hại tài sản, gây bất an, lo lắng trong nhân dân.