Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Melbourne, Australia.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 354.271.632 ca, trong đó có 5.618.988 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, song nhìn tổng thể, số ca mắc mới và tử vong trên thế giới đang chững lại.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục gây lo ngại về số lượng, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Ấn Độ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 400.000 ca), trong khi Nga cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 600 ca.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72.225.531 ca mắc và 889.197 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc mới trong các trường đại học đang gia tăng trên toàn nước này.

Tại Nhật Bản, số ca mắc mới COVID-19 vẫn tăng cao đột biến và vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát ở nước này.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp trọng điểm phòng dịch COVID-19, theo đó đưa thêm 16 tỉnh, thành vào danh sách, nâng tổng số địa phương áp dụng lên con số 32.

Còn tại Hàn Quốc, ngày 24/1 là ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 7.000 ca. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA) cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 7.513 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 7.159 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 741.413 ca mắc COVID-19 với 6.565 ca tử vong (sau khi có thêm 25 ca tử vong).

Tại Trung Quốc, lệnh phong tỏa kéo dài 1 tháng tại thành phố Tây An (Xian), thuộc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi) kể từ ngày 24/1 đã được dỡ bỏ do tình hình dịch COVID-19 tại đây đã cải thiện. Động thái này diễn ra trước thềm Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 dự kiến khai mạc vào tháng sau.

Tại Australia, giới chức y tế ngày 24/1 nhận định làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang dần "hạ nhiệt" ở hai bang đông dân nhất của nước này khi tỷ lệ ca mắc trung bình trong 7 ngày gần đây đã giảm gần 50%.

Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện do COVID-19 đã liên tục giảm hoặc ổn định ở các bang của Australia bị ảnh hưởng nặng nề của biến thể Omicron. Xu hướng này đặc biệt rõ ở bang Victoria khi số ca nhập viện tại đây đã giảm xuống còn 998 ca vào ngày 24/1, so với con số 1.229 ca vào đầu tuần trước. Số bệnh nhân cần điều trị tích cực (ICU) cũng giảm từ 129 người xuống còn 119 trong cùng thời gian.

Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ học Catherine Bennett của Đại học Deakin chia sẻ quan điểm cho rằng biến thể Omicron có thể là "bước ngoặt" của đại dịch và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sống chung với virus.

Chú thích ảnh
Khách du lịch chụp ảnh bên tượng nhân sư Merlion tại Singapore.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 54.930 ca mắc mới COVID-19 và 243 ca tử vong.

Tới hết ngày 24/1, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á đã vượt 16.217.833 trường hợp và 312.366 ca tử vong. Trong ngày 24/1, Philiippines có số ca mắc mới cao nhất khu vực (trên 24.000 ca), còn Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (165 ca).

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy nhiên, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đều giảm đáng kể.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 40 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 130.000, số ca mắc mới trên 300 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua duy nhất 1 trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Công ty dược phẩm AstraZeneca ở Macclesfield, Anh.
Ủy ban dược phẩm dùng cho con người thuộc Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 24/1 đã thông qua kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Tập đoàn AstraZeneca.

Theo thông cáo của ủy ban trên, địa điểm sản xuất hiện tại đang được công ty Universal Farma vận hành ở thành phố Guadalajara, Tây Ban Nha, sẽ bổ sung dây chuyền đóng ống vaccine thứ hai.

Kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất của châu Âu được kỳ vọng sẽ góp phần duy trì liên tục nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, trong đó có những hoạt động hỗ trợ vaccine cho các nước thứ ba thông qua chương trình toàn cầu COVAX./.