Ngày 20/12/2023, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì hội nghị.

Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công

Bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) cho biết, năm 2023 với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Bộ Tài chính, cùng với sự chủ động, tích cực của tập thể cán bộ công chức Cục QLN&TCĐN, công tác quản lý nợ công, quản lý vốn viện trợ về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm, góp phần vào thành tích chung của ngành Tài chính.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ

Bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Theo đó, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.

Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, hiệu quả công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2023 tiếp tục được giữ vững. Đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 36,6% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 33,8% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18,8% thu ngân sách nhà nước.

Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2023 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 73% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 12,43 năm tính đến ngày 27/11/2023); các khoản nợ nước ngoài hiện hành còn dư nợ chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi có thời hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015, xuống còn khoảng 3-4% GDP năm 2023.

"Công tác quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả hơn. Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả" - bà Thảo nói.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Cũng theo bà Nguyễn Xuân Thảo, trong năm 2023, đơn vị tham mưu cho Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành các công cụ quản lý nợ chủ động; triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, công cụ quản lý nợ chủ động theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017; bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công tiếp tục được hoàn thiện.

Chính phủ không cấp bảo lãnh cho các dự án mới; các dự án được Chính phủ bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoảng 6.167 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 4.289 tỷ đồng. Dư nợ đến cuối năm 2023 khoảng 10.154 tỷ đồng, giảm 6.137 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Cùng với đó, công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ và trong phạm vi dự toán được duyệt.

Theo lãnh đạo Cục QLN&TCĐN, năm 2023, công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia và quảng bá với các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô - nợ công cũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong năm 2023, Cục QLN&TCĐN đã tổ chức điều phối, tổng hợp chuẩn bị nội dung để lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị làm việc với đoàn đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia thường niên của 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Moody's, Fitch và S&P).

Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm này đều có những nhận xét tích cực về kinh tế vĩ mô Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động điều hành, tập trung vào tăng trưởng kinh tế bền vững. Đặc biệt, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB+, triển vọng Ổn định.

Quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ, vốn vay về cho vay lại

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho biết, trong năm qua, tập thể Cục QLN&TCĐN đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chương trình công tác đã đăng ký với Chính phủ và lãnh đạo Bộ và đạt được kết quả toàn diện trên nhiều mặt.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ
Ông Trương Hùng Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Đề cập tới nhiệm vụ năm 2024, Cục trưởng Trương Hùng Long đề các phòng, ban sớm rà soát lại để hoàn thành chương trình công tác năm 2024 sát với yêu cầu đổi mới quản lý chung của ngành Tài chính, của lĩnh vực quản lý lý nợ công; cần bám sát chương trình công tác để triển khai đổng bộ, thành công các mặt công tác, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2022.

Ông Long lưu ý, cần chuẩn bị các hoạt động nghiên cứu để phục vụ khởi động đánh giá triển khai Luật Quản lý nợ công, Kế hoạch 5 năm và đánh giá giữa kỳ các đề án, chiến lược vào đầu năm 2025.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đề ra tại Khung cải cách quản lý nợ công, tiếp tục triển khai nghiên cứu sâu hơn về rủi ro danh mục nợ, thống kê nợ nước ngoài, quan hệ nhà đầu tư...

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức quốc tế, cộng đồng nhà đầu tư thông qua các kênh quảng bá đa dạng;

Tăng cường năng lực cán bộ, bố trí đội ngũ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp chuyên trách công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia; chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về lĩnh vực nợ công cho các tổ chức giám sát vĩ mô.

Về nhóm nhiệm vụ quản lý bảo lãnh và cho vay lại, cần bám sát chủ trương về quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ, vốn vay về cho vay lại tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 9/11/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững...

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý cho vay lại địa phương và dự án. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cho vay lại, tăng cường giám sát người vay lại và trách nhiệm của cơ quan cho vay lại./.