Khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022: Tìm các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững Một số hình ảnh khai mạc diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Đây là những kiến nghị được nêu trong tham luận của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, trình bày tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, trong phiên thảo luận bàn tròn về chủ đề “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động”.

Thủ tục phức tạp làm giảm hiệu quả chính sách

Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Song không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp.

Nguyễn Trúc Lê
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong đó, những tồn tại, hạn chế đáng kể là chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh các bất cập. Đơn cử như việc tiếp cận nguồn vốn rẻ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khá khó khăn do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do tỉnh đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp…

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt là chính sách về giảm chi phí đầu vào, nguyên liệu sản xuất, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn để hạn chế tăng giá xăng dầu, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, có chính sách ổn định thị trường giá cả, ngoại tệ.

Tuy nhiên, số vốn giải ngân các gói hỗ trợ so với kế hoạch còn chậm, nguyên nhân do điều kiện, thủ tục phức tạp, trong đó thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất chưa thực sự phù hợp. Để tạo điều kiện phục hồi kinh tế xã hội thời gian tới, VCCI đã đề xuất 8 nhóm giải pháp lớn, trong đó, giải pháp thiết thực, quan trọng nhất là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách, đặc biệt là có quá nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, các mục tiêu chưa được cụ thể, đặc biệt nhóm giải pháp thuộc chính sách tiền tệ.

Khó khăn thứ ba là các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp. Liều lượng chính sách cũng còn khiêm tốn, cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.

Giảm thuế, giảm tiền thuê đất làm tăng gánh nặng ngân sách

Từ thực tế này, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê và nhóm Tư vấn chính sách của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu một số kiến nghị về hướng điều chỉnh chính sách thời gian tới.

Theo đó, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải đảm bảo có hướng đích và có mục tiêu. Dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn có nhiều, do tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững cho cân bằng tài chính của quốc gia, các chính sách cần được đánh giá và xác định chiến lược dài hạn hơn.

Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế chứ không miễn giảm thuế nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp; không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí quy mô doanh thu như năm 2020 và 2021, vì có thể tạo ra bất bình đẳng khi hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ dịch bệnh. “Giảm thuế, giảm tiền thuê đất sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách” - PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cho biết.

Đồng thời, các hỗ trợ trực tiếp cần được chuyển dần sang hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ về tài chính chuyển sang hỗ trợ về cơ chế, hỗ trợ dàn trải sang hỗ trợ số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, thúc đẩy phát biển bền vững.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, tháo bỏ các giấy phép con không phù hợp và cập nhật các chính sách cũ, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị nếu việc triển khai các chính sách do yếu tố chủ quan, e ngại trách nhiệm, chậm trễ trong quá trình thực thi chính sách….

Chủ tịch

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội dự phiên thảo luận chuyên đề 2.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn. Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những thành tựu không nhỏ, tuy nhiên vẫn cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn và dài hạn theo hướng: Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu; không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà; các chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt; ưu tiên hỗ trợ các nhóm ngành trong các lĩnh vực tạo bệ đỡ kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến các ngành khác (logistic, ngành nguyên liệu…).

Quyết sách chậm đi vào thực tiễn vì nỗi sợ sai

Tham gia thảo luận về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, TS. Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh mặc dù chúng ta đã có những quyết sách, chính sách rất đúng, rất trúng song từ chính sách đến thực tiễn là rất chậm.

Thực tế, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, tham mưu và ban hành ngay Nghị quyết số 11 của Chính phủ để chuyển chương trình và trong nghị quyết thì cũng đã nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ đã phân công cụ thể, trong đó, đề ra 17 nhiệm vụ...

Quyết sách của Quốc hội đưa ra là cấp cứu, thì đáng lẽ “xe cấp cứu” phải dùng đèn ưu tiên, nhưng lại "tài xế" chọn cách đi an toàn, không vội vã. Lý do có nhiều, có cả sự trùng trùng điệp điệp của quy định không rõ ràng, cả nỗi lo sợ sai của các cơ quan hành chính..., TS. Trần Du Lịch chia sẻ và nhấn mạnh tình trạng này ảnh hưởng khá nhiều tới tốc độ phục hồi của doanh nghiệp.

Từ đó, ông Trần Du Lịch đề nghị 3 giải pháp để thúc đẩy hiệu quả và tốc độ các giải pháp đang được triển khai chậm. Trong đó bao gồm: ưu tiên tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh hấp thụ vốn, ưu tiên vốn vào kênh lan tỏa nhanh, thúc đẩy phục hồi; đẩy nhanh đầu tư công; phát triển các thị trường, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm gánh nặng về vốn trung và dài hạn cho ngân hàng.