AI tác động thế nào đến toàn cầu?

Được biết đến rộng rãi từ tháng 11/2022 khi công ty OpenAI công bố ứng dụng ChatGPT - một trong các sản phẩm được ứng dụng công nghệ AI. Tác động của công nghệ này đến đời sống con người đã được nhắc đến bởi các nhà nghiên cứu, doanh nhân và cả các quan chức chính phủ.

Mới đây Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã phát biểu rằng: “AI có tiềm năng biến động mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết điều đó”. Vấn đề còn gây ra nhiều tranh luận là AI sẽ tác động vào lĩnh vực nào, theo hướng nào và mức độ nào?

Các quốc gia tăng tốc kiểm soát AI
Các quốc gia tăng tốc kiểm soát AI. Ảnh minh họa

Trong báo cáo mới đây, ngân hàng Golman Sachs cho rằng “việc sử dụng AI rộng rãi có thể dẫn tới một mức tăng GDP toàn cầu hàng năm đến 7% hoặc 7 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm”. Khi đánh giá về tác động của AI, một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận về một mức tăng trưởng năng suất lao động hàng năm đến 3% tại các hãng có sử dụng công nghệ này.

Nghiên cứu của Open Philanthropy đưa đến kết luận rằng 10% khả năng sẽ có tăng trưởng đột biến (mức tăng sản lượng toàn cầu hơn 30% mỗi năm) tại một thời điểm nào đó trong thế kỷ này nhờ ứng dụng AI.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, thật khó để một thành tựu công nghệ riêng lẻ nào đó từng làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, dù theo hướng tích cực hay tiêu cực, việc thay đổi là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Cuộc cách mạng công nghiệp vào cuối những năm 1.700 là một ví dụ, để có thể tạo ra sự biến đổi lớn là do tác động cùng lúc của nhiều nhân tố như sử dụng nhiều than đá hơn, quyền tài sản được đảm bảo hơn… chứ không chỉ là do sự đời của máy kéo sợi.

Trong báo cáo mới đây, ngân hàng Golman Sachs cho rằng “việc sử dụng AI rộng rãi có thể dẫn tới một mức tăng GDP toàn cầu hàng năm đến 7% hoặc 7 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm”.

Mới đây, tờ Economist cho rằng có thấy rõ tác động của AI đến sự độc quyền, thị trường việc làm và năng suất lao động. AI có thể khiến một số ngành có tăng trưởng đột biến về năng suất như những ngành có sự giao tiếp giữa nhân viên và khách hàng, nhưng cũng có một số ngành sẽ nằm ngoài khả năng của AI như nông nghiệp hay xây dựng.

Theo chiều ngược lại AI cũng có thể dẫn đến năng suất lao động kém hơn khi nó luôn tạo ra những phương cách giải trí đúng với mong muốn, sở thích của người dùng và điều đó làm giảm sự chú tâm của họ vào công việc.

Dù có tác động theo chiều hướng nào thì AI cũng sẽ cần có thời gian để chuyển hóa những dự báo thành hiện thực, chứ không thể xảy ra một sớm, một chiều. Tất nhiên, thời gian sẽ không dài đến vài thập kỷ như việc sử dụng điện trong sản xuất bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 và phải đến cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất năng suất lao động mới bắt đầu bùng nổ.

Châu Âu và Mỹ tăng cường kiểm soát AI

Với việc được dự báo là tác động mạnh và theo nhiều chiều, các nhà lập pháp trên thế giới đang đẩy nhanh việc kiểm soát công nghệ AI. Geoffrey Hinton - nhà khoa học kỳ cựu, người được ví như “cha đỡ đầu” của AI phát biểu rằng “Tôi không nghĩ họ nên mở rộng quy mô của các mô hình AI, cho đến khi họ thực sự hiểu được mình có thể kiểm soát nó hay không?”.

Các quốc gia tăng tốc kiểm soát AI
Các nhà lập pháp trên thế giới đang đẩy nhanh việc kiểm soát công nghệ AI

Châu Âu là khu vực đi đầu trong việc thiết lập các quy định kiểm soát công nghệ này. Ngày 11/5/2023, Ủy ban thị trường nội khối và Ủy ban về quyền tự do nhân sự thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua hơn 3.000 điều chỉnh trong dự luật quản lý AI.

Các quy định mới tập trung vào việc yêu cầu các doanh nghiệp phát triển công nghệ này phải đánh giá mức độ an toàn, có giải pháp quản lý dữ liệu và giảm thiểu rủi ro trước khi đưa ra thị trường. Việc sử dụng công nghệ AI phải được đi kèm vào thông báo lưu ý người dùng rằng sản phẩm của công cụ này là do máy móc tạo ra, không phải con người.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ sinh trắc học, đặc biệt là nhận diện khuôn mặt sẽ bị cấm ở nơi công cộng trừ trường hợp chống khủng bố, cảnh sát cũng không được sử dụng AI trong việc đánh giá khả năng phạm tội của một người dựa trên hồ sơ tiền án.

Đây được xem là bước tiến hướng tới việc ra đời một đạo luật kiểm soát AI đầu tiên trên thế giới. Được đề xuất từ năm 2021, Đạo luật kiểm soát AI sẽ quản lý tất cả các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ này.

Dự kiến, Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành thông qua dự thảo luật này vào tháng 6/2023, trước khi tiến hành các cuộc thương lượng với Ủy ban châu Âu và chính phủ các nước. Nếu được thông qua, đạo luật này có thể ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của thế giới và có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu về kiểm soát AI.

Tại Mỹ, ngày 4/5/2023, trong cuộc gặp gỡ với CEO của các tập đoàn phát triển AI hàng đầu (Microsoft, Alphabet), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh đến việc phải giảm thiểu rủi ro hiện tại và tiềm ẩn mà AI gây ra cho các cá nhân, xã hội và an ninh quốc gia. Trước đó, Ủy ban Thương mại liên bang và bộ phận dân quyền của Bộ Tư pháp Mỹ (tháng 4/2023) đã cho biết sẽ sử dụng các cơ quan pháp lý của mình để chống lại mối nguy hại liên quan đến AI.