Nâng cao trách nhiệm của nhà giáo trong giảng dạy

Ngày 6/3, Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn đã làm việc, nắm tình hình triển khai Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) tại tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo của Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang, ngay sau khi Thông tư 29 được ban hành, Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh hiểu đúng quy định của Thông tư 29.

Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí hiện có để xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, đảm bảo khoa học, phù hợp, đúng quy định, nhất là đối tượng học sinh cuối cấp.

Cấm thu tiền dạy thêm, dạy tốt chính khoá để giáo viên và học sinh đến trường thấy hạnh phúc
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MOET

Các nhà trường rà soát lại phân công chuyên môn, tận dụng số giờ của giáo viên chưa bố trí đủ định mức lao động để phân công dạy thêm cho học sinh cuối cấp. Bố trí kinh phí chi cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ nguồn kinh phí đã cấp cho các đơn vị năm 2025.

Triển khai Thông tư số 29 còn tạo động lực để những nhà giáo tâm huyết, giỏi chuyên môn được tuyên dương, khen thưởng và là dịp để nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh.

Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là chất lượng giờ học chính khóa; tiến hành các giải pháp đa dạng, linh hoạt và phù hợp với đơn vị để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ôn thi cho học sinh cuối cấp.

Khuyến khích giáo viên trong nhà trường dạy củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh nhằm đảm bảo ngưỡng đầu ra của mỗi môn học và cam kết thực hiện tốt giải pháp 2K-2T (2K là không thu tiền của học sinh, không sử dụng ngân sách nhà nước; 2T là tự nguyện dạy của giáo viên, tự nguyện học của học sinh)...

Dạy tốt chính khoá, học sinh đến trường được hạnh phúc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, việc quản lý dạy thêm, học thêm là việc khó bởi lâu nay đã trở thành mặc định, Thứ trưởng nhấn mạnh đến sự kiên trì, đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện Thông tư 29 vì học sinh, vì thầy cô và vì chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Quy định việc cấm dạy thêm có thu tiền nâng cao trách nhiệm của nhà giáo trong công tác giảng dạy
Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, hoạt động học thêm, dạy thêm ở nhiều địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa

“Hệ luỵ dạy thêm, học thêm tràn lan không mới, quy định quản lý dạy thêm, học thêm cũng không mới. Thông tư 29 khi ban hành cũng có những khó khăn nhưng ngành Giáo dục có niềm tin sâu sắc thực hiện tốt Thông tư này sẽ mang lại giá trị tốt đẹp” - Thứ trưởng nói, đồng thời chia sẻ mục đích cao nhất mà Bộ GDĐT, ngành Giáo dục cần kiên trì, đồng tâm thực hiện, đó là dạy tốt chính khoá, giáo viên, học sinh đến trường được hạnh phúc.

Để triển khai Thông tư 29 và quản lý hiệu quả dạy thêm, Thứ trưởng chỉ đạo dứt khoát làm tốt dạy học chính khoá. Cụ thể, đổi mới phương pháp giảng dạy, quan tâm tới từng đối tượng học sinh, nhất là những học sinh yếu; đổi mới kiểm tra, đánh giá; bố trí sắp xếp giáo viên phù hợp; hướng dẫn học sinh đa dạng hoá hình thức học tập, tự học có hướng dẫn, học nhóm, học qua các phương tiện, công nghệ hiện đại…

Về lâu dài, theo ông Thưởng, cần xây dựng đủ trường lớp để không còn áp lực sĩ số, áp lực trường chuyên lớp chọn. Thứ trưởng cũng nhắc tới giải pháp thi đua khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân làm tốt, tâm huyết, trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Quản lý dạy thêm, học thêm không thể ngày một ngày hai mà cần kiên trì, nhưng chúng ta không thể thấy khó mà không làm. Khi chúng ta thực hiện tốt, mối quan hệ thầy trò sẽ tốt hơn, phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội sẽ tốt hơn, chúng ta sẽ có một lớp học sinh chủ động, tự tin, đúng nguyên lý của giáo dục. Thầy cô hãy chăm lo đầy đủ cho học sinh trong nhà trường” - ông Thưởng nhấn mạnh./.