Đề nghị sửa tên Luật

Trình bày về tên gọi của Luật, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tên gọi hiện nay của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Luật, bao gồm ký kết, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế (Điều 1). Do vậy, Chính phủ kiến nghị sửa tên gọi của Luật thành “Luật Điều ước quốc tế”.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, phạm vi điều chỉnh của Luật về cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, việc sửa đổi định nghĩa Điều ước quốc tế (ĐƯQT) là điểm mới cơ bản, có tính bao trùm, tác động đến phạm vi điều chỉnh và nhiều nội dung trong dự thảo Luật.

Theo đó, khái niệm “điều ước quốc tế” được chỉnh sửa phù hợp với quy định của Công ước Viên về Luật điều ước năm 1969, theo đó ĐƯQT được hiểu là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của luật pháp quốc tế, làm phát sinh, thay đổi quyền, nghĩa vụ của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Như vậy, “đối với các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nhưng không có giá trị ràng buộc pháp lý quốc tế thì việc ký kết và thực hiện không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”, tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh.

Thỏa thuận quốc tế được ký nhân danh Nhà nước cần đưa vào Luật

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết, mặc dù vẫn có hai loại ý kiến, tuy nhiên số thành viên Ủy ban Đối ngoại nhất trí sửa tên Luật thành “Luật Điều ước quốc tế”, do tên gọi này vừa ngắn gọn, vừa đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Đối với định nghĩa điều ước quốc tế, hiện cũng có hai loại ý kiến về định nghĩa điều ước quốc tế: Tán thành với định nghĩa ĐƯQT được thể hiện tại dự thảo Luật; Luật cần điều chỉnh cả các thỏa thuận vay nợ nước ngoài do các thỏa thuận này cũng làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Việt Nam với bên cho vay.

Theo Ủy ban Đối ngoại, định nghĩa ĐƯQT tại dự thảo Luật về cơ bản phù hợp với Công ước Viên về Luật điều ước năm 1969. Các thỏa thuận, cam kết về vay nợ nước ngoài nếu được ký nhân danh Nhà nước, Chính phủ với bên ký kết nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Các thỏa thuận vay cụ thể khác được thực hiện theo quy trình, thủ tục ký kết và phê duyệt thỏa thuận được quy định tại Luật Quản lý nợ công.

Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại cho rằng, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề như ủy quyền, đàm phán, ký lưu trữ, công bố văn bản, hướng xử lý nếu trong quá trình ký kết và thực hiện thỏa thuận vay có quy định trái hoặc khác với pháp luật trong nước. Tương tự, cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, thủ tục ký kết đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước không phải là ĐƯQT.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã loại ra một số thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước như các thỏa thuận về viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi giữa Chính phủ Việt Nam với một số định chế, tổ chức tài chính (như các quỹ, cơ quan phát triển của nước ngoài…). Quy định như vậy chưa thống nhất với quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2009, tạo ra khoảng trống trong hệ thống pháp luật khi không có văn bản nào điều chỉnh những thỏa thuận vay vốn ODA được ký kết nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ với các bên không phải là tổ chức quốc tế.

Do đó, “đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để Luật điều chỉnh cả các loại thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ như trên hoặc cần sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công để quy định cụ thể trình tự, thủ tục ký kết các thỏa thuận vay vốn ODA nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, Chủ nhiệm Trần Văn Hằng nhấn mạnh./.

Duy Thái