Đấu tranh với vi phạm liên quan đến mặt hàng pháo

Lợi nhuận cao, thủ đoạn tinh vi

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới thời gian qua vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Đặc biệt trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo qua biên giới lại có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo qua biên giới bị phát hiện, bắt giữ tập trung chủ yếu qua tuyến đường bộ thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ an, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai - Kon Tum...

Tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân

Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo qua biên giới được triển khai như: tuyên truyền trong quá trình làm thủ tục, niêm yết các văn bản tại nơi làm thủ tục, cửa khẩu, sử dụng bảng đèn LED điện tử để tuyên truyền các khẩu hiệu, hình ảnh phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ...

Đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới thường là hành khách, lái xe trên các phương tiện vận tải có hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu. Vì lợi nhuận mặt hàng này cao, các đối tượng tìm mọi cách qua mặt cơ quan chức năng để đưa pháo về nội địa tiêu thụ.

Phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng như gia cố, tạo hầm, vách ngăn trên các phương tiện xe khách, xe tải, các loại phương tiện khác để cất giấu pháo, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; dùng xe hạ tải, xe ô tô, xe máy phân khối lớn chạy tốc độ cao để vận chuyển pháo từ khu vực biên giới vào sâu nội địa, lợi dụng chính sách hàng hóa cư dân biên giới, mang vác hàng thuê, giấu pháo nổ vào hành lý xách tay…, để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép pháo qua biên giới (cất giấu, trà trộn pháo vào hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch để vận chuyển vào nội địa) đã bị lực lượng chức năng nhận diện.

Siết chặt các quy định quản lý

Chặn đứng các vụ buôn lậu, vận chuyển pháo trái phép
Vụ việc Đội 4 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phối hợp với Công an Lạng Sơn bắt giữ gần 1 tấn pháo. Ảnh: Hoàng Cường.

Trước tình hình trên, xác định mặt hàng pháo nổ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, các đơn vị chức năng thường xuyên chỉ đạo, triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát việc buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo qua biên giới.

Mỗi lực lượng chức năng liên quan đều chủ động ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cảnh báo nghiệp vụ trong việc tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói chung, pháo nổ nói riêng. Các đơn vị đóng tại cửa khẩu, biên giới đánh giá tình hình, lập danh sách phương tiện, đối tượng trọng điểm, tổ chức, cá nhân, tuyến đường liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo các loại để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bắt giữ, xử lý.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện xuất nhập cảnh, đặc biệt là xe khách nhập cảnh qua cửa khẩu nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển pháo trái phép qua biên giới.

Ở cửa khẩu, cơ quan hải quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện đồng thời phân tích, đánh giá, nhận định các dấu hiệu vi phạm; sử dụng máy soi hành lý, máy soi container có hiệu quả nhằm kiểm tra, kiểm soát hành lý hành khách xuất nhập cảnh, hàng hóa nhập khẩu để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép pháo các loại.

Cơ quan công an cũng đã tăng cường hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, như ban hành quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ, danh mục chi tiết mã số hồ sơ các loại pháo, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên quy định chặt chẽ hơn về thủ tục cấp giấy phép mua, giấy phép vận chuyển pháo hoa để kinh doanh, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, bảo quản, sử dụng và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo để góp phần ngặn chặn tình trạng pháo lậu.

Đồng thời, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không tàng trữ, chế tạo, sản xuất, vận chuyển, mua bán pháo trái phép; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo.

Bắt giữ gần 25,6 tấn pháo trong 5 năm

Tổng cục Hải quan vừa có báo cáo về kết quả hơn 5 năm thực hiện Công văn số 02/BCĐ389-VPTT ngày 28/1/2019 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới.

Theo đó, từ ngày 28/1/2019 đến ngày 28/1/2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng (biên phòng, công an...) phát hiện, bắt giữ và xử lý 226 vụ và 170 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép pháo các loại, tang vật thu giữ 25.606,7kg pháo.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, ngành Hải quan xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Để ngăn chặn, ngành Hải quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 64/KH-TCHQ ngày 5/2/2024 của Tổng cục Hải quan về triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2024; thực hiện đúng, đầy đủ quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đặc biệt là công tác thu thập thông tin địa bàn, nắm tình hình các đối tượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, không để các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo trong địa bàn hoạt động hải quan.

Lực lượng Hải quan cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Công an và hợp tác quốc tế với cơ quan Hải quan các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia để chủ động đấu tranh với các đối tượng, đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng pháo qua biên giới.

Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền để hướng dẫn người dân biết các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo, nhất là phân biệt giữa “pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa” và các trường hợp được mua bán, vận chuyển, sử dụng hợp pháp để người dân hiểu, không sử dụng, tàng trữ, vận chuyển trái phép và tích cực phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật, không bao che, tiếp tay hoặc tham gia buôn lậu, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo.