Tổng cục dự trữ nhà nước

Ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN (thứ hai từ trái sang) kiểm tra chất lượng thóc tại Cục DTNN khu vực Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Sâm

Ngày 18/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (Nghị định số 116), trong đó có nội dung liên quan đến Bộ Tài chính thực hiện hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định số 116 của Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu, UBND các tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ gạo cho học sinh gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) trước ngày 30/6 hằng năm. Căn cứ báo cáo của UBND các tỉnh, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổng hợp, trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định hỗ trợ gạo cho học sinh các địa phương trong năm học trước ngày 31/7 hằng năm.

Thời gian giao, nhận gạo cụ thể thực hiện theo tiến độ do đề nghị của UBND tỉnh quy định nhưng không quá 2 lần/học kỳ.

“Trong quá trình giao, nhận gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ, các bên (đơn vị Dự trữ Nhà nước giao gạo và đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo) phải lập Biên bản giao, nhận gạo. Đồng thời, tổ chức lấy mẫu gạo (có xác nhận của các bên), thống nhất niêm phong mẫu gạo, lưu giữ tại bên giao, bên nhận; mẫu gạo lưu giữ được quản lý cẩn thận để đối chứng trong trường hợp có phản ánh về chất lượng”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Hỗ trợ gạo cho học sinh

Niềm vui của học sinh khi được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ: Ảnh: Hồng Sâm

Đặc biệt, gạo dự trữ quốc gia xuất cấp để hỗ trợ học sinh sau khi tiếp nhận phải được quản lý chặt chẽ, phân phối, sử dụng đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị, tổ chức tiếp nhận gạo có trách nhiệm tiếp nhận và quản lý toàn bộ số lượng gạo dự trữ quốc gia đã nhận về số lượng, chất lượng và giá trị gạo tiếp nhận tại trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố; tổ chức vận chuyển và phân phối kịp thời cho các trường học hoặc các đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ nhận gạo hỗ trợ theo quyết định phân phối của cấp có thẩm quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận gạo chủ động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương để có kế hoạch triển khai thực hiện, phân phối kịp thời gạo dự trữ quốc gia đến đúng đối tượng qui định; đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện về việc phân bổ, sử dụng gạo hỗ trợ của địa phương mình...

Đối với các địa phương có phát sinh nhu cầu hỗ trợ gạo lớn hơn số lượng gạo theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã ban hành thì Chủ tịch UBND tỉnh khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ Tài chính ra quyết định cấp bổ sung cho đối tượng được hỗ trợ, bảo đảm đủ số lượng, đúng đối tượng được hỗ trợ để kịp thời hỗ trợ gạo cho học sinh trong năm học theo quy định.

Trường hợp sau khi đã tiếp nhận gạo nhưng các địa phương không sử dụng hết do nguyên nhân khách quan như học sinh bỏ học, chuyển trường…hoặc do điều chỉnh về đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước, của cấp có thẩm quyền thì các địa phương có phương án giải quyết, xử lý kịp thời.

Sâm Linh