lê hồng sơn chất vấn PCCC

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn trả lời chất vấn của đại biểu.

Gần 750 công trình đưa vào sử dụng chưa được nghiệm thu PCCC

Trong phiên chất vấn chiều ngày 3/12, các ĐB đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC tại các chung cư, khu nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội, nếu không đảm bảo an toàn cho các chung cư thì người dân sẽ không dám đến sống tại các chưng cư.

Các ĐB Nguyễn Hoài Nam, ĐB Hoàng Mạnh Phú, ĐB Nguyễn Nguyên Quân cùng có ý kiến: Tại các chung cư tái định cư, ngoài khâu quản lý, vận hành còn nhiều bất cập thì hệ thống PCCC ở những tòa này cũng đang ở mức báo động. Vậy các ngành chức năng của thành phố có biết việc này? Bao giờ và ai sẽ phải làm, trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời chất vấn của ĐB về PCCC tại các khu tái định cư, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phụ trách lĩnh vực PCCC Lê Hồng Sơn cho rằng, trước hết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và trách nhiệm liên đới của đơn vị giám sát thi công, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và trách nhiệm của cơ quan phê duyệt, cấp giấy phép.

“Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cảnh sát PCCC chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra rà soát hồ sơ xây dựng thiết kế của các khu chung cư, khu tái định cư. Nếu ở vào trường hợp "ba không" gồm không hệ thống báo cháy, không phương tiện chữa cháy và không lực lượng chữa cháy như ĐB nói, thành phố sẽ có những giải pháp khắc phục”, ông Sơn nói.

Không hài lòng với câu trả lời của vị Phó Chủ tịch thành phố, ĐB Nguyễn Hoài Nam cho biết, qua giám sát của Ban Pháp chế tại các nhà cao tầng tái định cư, chợ, trung tâm thương mại…. thì trên địa bàn thành phố hiện có 112 tòa nhà công tác PCCC đang ở mức "ba không". ĐB dẫn chứng, qua kiểm tra tại các tòa nhà cao tầng tái định cư thì sau 30 phút không gọi được lực lượng chữa cháy tại chỗ, kiểm tra các hộp cứu hỏa thì không hoạt động. Vì vậy nếu xảy ra cháy ở đây thì sẽ là một “thảm họa”. “Xin hỏi Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn, bao giờ khắc phục được và ai sẽ khắc phục?”, ĐB nói.

Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn không nói thẳng vào vấn đề mà xin được tiếp thu và trong thời gian tới, khi có phương án cụ thể, sẽ báo cáo lại với ĐB và HĐND. Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh đây là vấn đề thành phố rất quan tâm, cả hệ thống chính trị quan tâm.

Tiếp tục chất vấn vị Phó Chủ tịch UBND thành phố, ĐB Bùi Huyền Mai (Đông Anh) cho rằng Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, đề nghị UBND thành phố cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã đầu tư cho công tác PCCC như thế nào?.

Vị Phó Chủ tịch thành phố cho biết, thành phố đã chi gần 1.200 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị cho lực lượng PCCC và đã có 2 gói thầu thiết bị được bàn giao. Thành phố đang tổ chức đấu thầu trang thiết bị cho PCCC một số quận, huyện với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố cũng đã có quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở PCCC trên địa bàn, tất cả các quận, huyện...

Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, công tác quản lý Nhà nước về PCCC còn hạn chế, có tới 745 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn đưa vào sử dụng; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế. Bà Ngọc cũng đề nghị cơ quan quản lý phối hợp với các sở, ngành rà soát lại toàn bộ điều kiện PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng, chợ, kho hàng…, để kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm, khắc phục những hạn chế về PCCC.

Quản lý nhà tái định cư lỏng lẻo

Chất vấn về vấn đề quản lý nhà chung cư, đặc biệt là chung cư tái định cư, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đề nghị làm rõ việc có 2.000 căn chung cư tái định cư đã có người vào ở nhưng chưa có quyết định giao nhà. Vấn đề này đã tồn tại từ năm 2012, nay xử lý thế nào, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở Xây dựng thể hiện ở đâu?

Trả lời ĐB, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, toàn thành phố có tổng cộng 477 toà nhà chung cư và 166 toà nhà tái định cư. Trong số này cơ bản giao 112 toà nhà tái định cư cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý nhà; 18 toà giao cho Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà; 28 tòa nhà giao cho nhân dân tự quản...

Sau khi giám sát cho thấy toàn bộ 112 toà nhà do Công ty TNHH MTV Quản lý nhà quản lý đều có vấn đề. Cụ thể, có 2.000 căn đã có người vào ở nhưng chưa có quyết định giao nhà, trong đó có 533 căn công ty tự đưa người vào ở trong giai đoạn từ năm 2006-6/2014; 247 căn hộ công ty tiếp tục vi phạm từ 6/2014 đến nay…

“Đối với các căn hộ tái định cư đã giao nhà nhưng chưa có quyết định giao nhà, Sở đã và đang đôn đốc, yêu cầu các đơn vị nếu hết tháng 12/2015 không nộp tiền sẽ cưỡng chế thu hồi. Cho đến nay, biện pháp này khá khả quan, giúp thu được 250 tỷ đồng trên tổng số 480 tỷ đồng”, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục nhấn mạnh.

Tiếp tục chất vấn, ĐB Bùi Đức Hiếu cho biết, trên 20 năm nay, công viên Tuổi trẻ chưa được đầu tư xây dựng, để nhiều đơn vị khai thác không có hiệu quả. Mảnh đất này thành nơi trông xe ô tô, làm nhiều việc không đúng tính chất một công viên, thành phố giải quyết thế nào?

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, đối với công viên Tuổi trẻ, Sở đã tham mưu UBND thành phố thu hồi 3 bãi đỗ xe với 5.000m2 để xây dựng vườn hoa, thảm cỏ cho nhân dân. Đồng thời rà soát các sân tennis, nhà hầm, sân bóng đá để thực hiện phương án cưỡng chế, sớm trả lại mặt bằng cho công viên… /.

Hồng Chi