Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng 3. Nguyên nhân chính là do nhóm giao thông tăng 1,95%, làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm. Trong đó, giá xăng trong nước tăng 4,78%, giá dầu diezen tăng 2,01% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng, giá vận tải hành khách hàng không tăng 10,42%. Riêng giá xe ô tô mới giảm 0,24%.

Ngoài ra, còn có 7 nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng giá trong tháng 4. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,27%, chủ yếu do tăng giá các mặt hàng đồ dùng cá nhân, trong đó có giá đồ trang sức tăng 5,4% theo giá vàng trong nước. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,21% khi giá điện, giá dầu hỏa và giá thuê nhà đều tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ
Giá xăng trong nước tăng 4,78% trong tháng 4 là một nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tháng 4 tăng cao. Ảnh: Hải Anh

Dịch vụ giáo dục trong tháng 4 giảm 3,32%, góp phần kéo giảm CPI chung. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm mon, giáo dục phổ thông công lập, theo đó một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP

Ở chiều ngược lại, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13% (lương thực giảm 0,63%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21%); nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,17%; nhóm giáo dục giảm 2,93%.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2024 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân bốn tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu và giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Về giá vàng, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/4/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.322,36 USD/ounce, tăng 8,54% so với tháng 3/2024 do căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước; tăng 17,01% so với tháng 12/2023; tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân bốn tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%.

Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ tăng do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa đưa ra thời gian cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất nên giá trị đồng USD tăng cao. Tính đến ngày 25/4/2024, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 104,95 điểm, tăng 1,4% so với tháng trước.

Trong nước, nhu cầu đô la Mỹ của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.120 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2024 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 3,03% so với tháng 12/2023; tăng 6,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân bốn tháng đầu năm 2024 tăng 4,6%./.