Tỷ lệ tham gia thấp do chưa đủ tính hấp dẫn

Hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Việt Nam bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động khu vực có quan hệ lao động và BHXH tự nguyện được áp dụng đối với khu vực không có quan hệ lao động.

Người tham gia BHXH tự nguyện có mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Hiện tại, người tham gia BHXH tự nguyện đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30% đối với hộ nghèo, cận nghèo là 25% và đối tượng khác là 10% (tính theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn). Dù vậy, chính sách này vẫn chưa hấp dẫn với người dân.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tới các tiểu thương tại Hà Tĩnh. Ảnh: BHXH Việt Nam
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tới các tiểu thương tại Hà Tĩnh. Ảnh: BHXH Việt Nam

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện liên tục tăng. Tính chung giai đoạn 2016 - 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 38,93%/năm.

Tính đến hết tháng 2/2023, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,459 triệu người, tăng 204,8 nghìn người. Tuy nhiên, so với quy mô lao động, số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ rất nhỏ, hiện mới đạt khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Dư địa phát triển của BHXH tự nguyện còn rất lớn, lên tới hàng chục triệu người, nhưng số người tham gia chính sách chưa nhiều.

Lý giải điều này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân là do lao động tự do không có việc làm và thu nhập không ổn định. Bên cạnh đó, thời gian tham gia để được hưởng lương còn dài (theo quy định hiện hành là 20 năm).

Vấn đề quyền lợi thụ hưởng cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ BHXH tự nguyện thấp. Với BHXH bắt buộc, người tham gia được thụ hưởng 5 chế độ: hưu trí, tử tuất, ốm đau và thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp. Thế nhưng, BHXH tự nguyện hiện hành chỉ cung cấp 2 chế độ hưu trí và tử tuất, khiến cho chính sách này kém hấp dẫn không thu hút được nhiều người tham gia.

Bổ sung trợ cấp thai sản cho người tham gia

Để mở rộng diện bao phủ BHXH, tiến tới BHXH toàn dân, Nghị quyết số 28/NQ-TW của Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Thể chế hóa chủ trương này, tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện nay, xuống còn 15 năm đối với cả nhóm người tham gia theo hình thức tự nguyện và bắt buộc. Đồng thời, để tăng hơn nữa tính hấp dẫn của chính sách, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.

Quy định mới về hưởng trợ cấp thai sản

Về giải quyết hưởng trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, dự thảo Luật BHXH quy định, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thai sản.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 3 chế độ là lương hưu, thai sản và tử tuất. Trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước đảm bảo. Lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con đều được thụ hưởng chính sách này. Người lao động để được hưởng quyền lợi thai sản phải đóng BHXH đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Về mức hưởng trợ cấp thai sản, dự thảo quy định, lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con được hưởng 2.000.000 đồng cho một con mới sinh. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ hưởng chế độ theo quy định.

Ngoài ra, để tăng thêm tính hấp dẫn của chính sách, từ phía đơn vị thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia. Cụ thể, BHXH Việt Nam đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo...

Việc bổ sung thêm các quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi được kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện. Tuy vậy, theo một số góp ý của người dân cho dự thảo thì mức trợ cấp thai sản 2.000.000 đồng như đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là quá ít so với nhu cầu chăm sóc phụ nữ nghỉ thai sản và trẻ em sơ sinh.

Cơ quan soạn thảo nên tính toán mức hưởng chế độ thai sản căn cứ theo mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện, bảo đảm cho người lao động có quyền lợi trong 6 tháng khi nghỉ sinh con, tương tự như người tham gia BHXH bắt buộc. Điều này góp phần chăm lo cho trẻ em từ lúc mới sinh, đồng thời, rút ngắn khoảng cách về quyền lợi giữa các nhóm tham gia BHXH.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, nên tích hợp thêm chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Những bổ sung này sẽ tăng tính hấp dẫn hơn cho chính sách BHXH tự nguyện, thu hút đông đảo người lao động khu vực phi chính thức tham gia hơn./.