PV: Trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai gia hạn, giảm một số loại thuế, phí sẽ có tác động ra sao đối với sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam, thưa các chuyên gia?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp có bước phục hồi rất rõ nét, từ đó tạo ra tăng trưởng quý I tương đối cao và tôi tin rằng tăng trưởng quý II cũng sẽ cao, đạt khoảng trên 6%.

Rõ ràng, hiện nay số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động tăng lên nhanh chóng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư đã tin tưởng thị trường, từ đó tạo ra cơ hội cho quá trình phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, tổng cầu vẫn còn suy yếu, lượng bán hàng suy giảm khiến lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất tăng lên.

Chính sách hỗ trợ thuế, phí giúp ổn định kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế

Như vậy, trong thời gian này, việc triển khai gia hạn, giảm một số loại thuế, phí gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước và tiền thuê đất trong năm 2024, sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí sử dụng vốn lớn, tiết kiệm thời gian, yên tâm trong quá trình hồi phục và tăng trưởng, đạt được các chi phí vốn để đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh, mà không phải đi huy động vốn.

Bởi vì doanh nghiệp sẽ tính được luôn thời gian gia hạn bao lâu, chưa phải nộp bao nhiêu… từ đó họ chuyển thành nguồn lực để quay vòng, trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy nên, giảm được chi phí vốn đầu vào để tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như hạ giá thành hoặc tổ chức các chương trình khuyến mãi tốt để tiêu thụ sản phẩm của mình, giúp đẩy nhanh quá trình luân chuyển vốn của doanh nghiệp. Vì nếu doanh nghiệp sản xuất ra mà không tiêu thụ được thì doanh nghiệp cũng như “ngồi trên đống lửa”.

Tôi cho rằng, đây là một biện pháp tác động không chỉ đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp mà còn tác động cả quá trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, đẩy nhanh vòng quay vốn cho doanh nghiệp.

TS Cấn Văn Lực: Về cơ bản chính sách tài khoá cũng được mở rộng và có trọng tâm, trọng điểm trong khoảng 4 năm vừa qua, cụ thể từ năm 2020 đến nay. Kể cả sau dịch bệnh, tức là năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ vẫn đang tiếp tục cho phép thực hiện một số chính sách tài khoá như giãn, hoãn tiền nộp thuế, tiền sử dụng đất,… giảm một số loại thuế và phí như thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, hay thuế bảo vệ môi trường…

Chính sách hỗ trợ thuế, phí giúp ổn định kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia

Chính sách này rất thiết thực và cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn do các hoạt động tiêu cực gây ra từ dịch Covid và trước những thách thức từ bên ngoài hay kể cả thách thức bên trong nội tại nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt nền kinh tế nước ta có phục hồi nhưng sức cầu tiêu dùng và cầu sản xuất vẫn yếu. Do vậy, chính sách tài khoá lúc này sẽ giúp kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song cũng góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô.

PV: Vậy theo các chuyên gia, chính sách tài khoá này có được xem là “cú hích” giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm hay không. Giải pháp này nên được duy trì như thế nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Từ giải pháp giảm chi phí vốn, giảm yếu tố đầu vào của sản xuất, cho đến giảm thuế giá trị gia tăng hoặc giảm lệ phí trước bạ để thúc đẩy tiêu dùng… rõ ràng Chính phủ và Bộ Tài chính đã có những nỗ lực để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong 6 tháng cuối năm 2024.

Tuy nhiên, nếu xem chính sách tài khoá này là “cú hích” thì cũng đúng, bởi chỉ trong ngắn hạn và cũng không phải là giải pháp mới. Chính phủ đã áp dụng chính sách này trong khoảng thời gian trước đây.

Trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2024, lẽ ra các chính sách này đã hết hạn và các doanh nghiệp phải lo với việc nộp thuế hoặc đáp ứng các yêu cầu theo cơ chế thị trường, nhưng Chính phủ đã cố gắng cân đối nguồn thu cũng như có thể sử dụng các biện pháp, giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chính sách giảm, giãn thuế là một sự đánh đổi, vì kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước đã được lập vào năm ngoái. Từ ngày 1/7 này Chính phủ sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn thu khi gian hạn, giảm thuế, phí.

Về nguyên tắc, khi doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh là phải đáp ứng đầy đủ các khoản thuế phí, lệ phí có liên quan và đáp ứng nhu cầu đầu vào cũng như đáp ứng yêu cầu về thuế ở đầu ra, đây là việc bình thường. Nhưng do Chính phủ và Bộ Tài chính muốn thúc đẩy quá trình hồi phục của doanh nghiệp nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nên đã sử dụng chính sách tài khoá này và đồng nghĩa việc Chính phủ sẽ giảm nguồn thu, tự tìm kiếm nguồn chi tiêu cho ngân sách trong khoảng thời gian trước mắt khi cho phép giãn, hoãn thuế phí.

Như vậy, chính sách tài khoá đứng trước tình thế lưỡng nan, dư địa để kích thích kinh tế không còn quá lớn. Quy mô của thu ngân sách/GDP thu hẹp song chúng ta vừa muốn nới lỏng chi tiêu vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có thể làm gia tăng rủi ro vay nợ.

TS. Cấn Văn Lực: Tôi cũng cho rằng, đây là giải pháp vừa là ngắn hạn vừa là dài hạn. Ngắn hạn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay, còn dài hạn là tạo ra nền tảng để chúng ta phát triển nền kinh tế tốt hơn trên nền cơ sở hạ tầng hiện đại, giảm rất nhiều chi phí giao dịch, chi phí đi lại, chi phí logictics cho nền kinh tế cũng như tăng tính liên kết vùng, kết nối giao thương.

PV: Vậy về dài hạn thì cần biện pháp gì thưa các chuyên gia?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, để dài hạn và bình ổn là tất cả các khoản thu chi của doanh nghiệp phải được chi trả một cách bình thường thì lúc đó nền kinh tế mới ở trạng thái bình thường.

Các doanh nghiệp phải cố gắng tự mình vươn lên và thích ứng với điều kiện hoàn cảnh mới của tình hình sản xuất kinh doanh ở trong nước và trên thế giới.

Đặc biệt phải đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí đầu vào, đầu ra… từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể đứng vững và tồn tại trong một thế giới đang biến động như thế này.

TS. Cấn Văn Lực: Muốn trung hạn và dài hơi hơn thì chúng ta cần đồng bộ nhiều chính sách khác. Chẳng hạn, chúng ta phải quyết liệt hơn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá đối tác,…

Tùy vào nguồn lực kinh tế xã hội cả thế giới và Việt Nam, tùy vào nguồn lực ngân sách nhà nước mà năm tới vẫn có thể xem xét duy trì chính sách này nhưng liều lượng phải ít hơn và phù hợp hơn.

TS. Cấn Văn Lực dự đoán, với đà này nếu các hoạt động tăng trưởng tiếp tục duy trì như hoạt động về xuất khẩu, về đầu tư, về tiêu dùng cộng với một số chính sách cả tài khoá lẫn tiền tệ thì 6 tháng cuối năm nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi tốt hơn, cả năm có thể sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6 – 6,5% và vẫn có thể kiểm soát lạm phát được ở mức khoảng 4% trong năm nay.