*PV: Quan sát bức tranh kinh tế Việt Nam, bà đánh giá thế nào công tác điều hành chính sách tài khóa trong thời gian qua tại Việt Nam?

TS. Dorsati Madani: Việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ trong thời gian qua là đúng hướng. Các cơ quan chức năng đã có nỗ lực rõ ràng để hỗ trợ nền kinh tế, thông qua việc thực hiện Kế hoạch phục hồi kinh tế 2022 - 2023, mặc dù phải đối phó với nhiều thách thức trong việc thực hiện đầu tư công.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua tại nghị quyết tiếp tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, tới tháng 6/2024. Đồng thời, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (như đã áp dụng của năm 2023). Ước tính số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 3 tháng đầu năm 2024 khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp giảm thuế (bao gồm: giảm 2% thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ tổng cầu, giảm thuế bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp và một số khoản gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp).

Trong năm 2023, Chính phủ đã tăng ngân sách đầu tư theo kế hoạch thêm 20% so với năm 2022 (tương đương khoảng 1,6% GDP) để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên tính đến cuối tháng 12/2023, chỉ có 73,5% ngân sách dự kiến (Quốc hội phê duyệt) được thực hiện.

Chính sách tài khóa được thực hiện linh hoạt đã hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam
Chính sách tài khóa nghịch chu kỳ góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Ảnh minh họa

Phân tích của WB năm 2023 cho thấy, có thể cải thiện việc thực hiện đầu tư từ ngân sách nhà nước bằng cách cải thiện ở giai đoạn chuẩn bị và thực hiện ngân sách đầu tư. Ở giai đoạn chuẩn bị của dự án, chất lượng của dự án đã được cải thiện thông qua việc cung cấp thêm thời gian, ngân sách, cũng như các hướng dẫn về phương pháp để chuẩn bị các nghiên cứu tiền khả thi của dự án; đồng thời thường xuyên cập nhật đơn giá và giá đất sát với giá thị trường để đảm bảo dự toán sát thực tế.

Để cải thiện việc thực hiện các dự án, một việc thiết thực là phải giải quyết quá trình thu hồi và giải phóng mặt bằng hiện kéo dài và phức tạp, gồm cả việc tách bạch giải phóng mặt bằng và tái định cư khỏi dự án đầu tư, đặc biệt đối với các dự án lớn.

Chính phủ cũng cần xem xét tái cân bằng ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng từ cấp tỉnh đến cấp trung ương để giúp thực hiện các dự án ưu tiên của khu vực hoặc quốc gia như: phát triển khu vực, chuyển đổi xanh và khả năng chống chịu với khí hậu…

*PV: Theo bà, việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, coi doanh nghiệp và người dân làm trung tâm đã tạo đà cho sự phục hồi kinh tế Việt Nam thời gian qua như thế nào?

TS. Dorsati Madani: Việc Việt Nam áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm chính là áp dụng khuôn khổ chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Chính sách này nhằm đáp ứng những diễn biến của nền kinh tế và góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Khi nền kinh tế đang gặp cú sốc tiêu cực như đại dịch Covid-19, việc áp dụng các biện pháp như giảm thuế cho hộ gia đình hoặc doanh nghiệp, tăng đầu tư công và mở rộng chính sách bảo trợ xã hội hiệu quả và có mục tiêu tốt giúp hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, qua đó hỗ trợ tổng cầu.

Chính sách tài khóa được thực hiện linh hoạt đã hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam
TS. Dorsati Madani

Để chính sách tài khóa nghịch chu kỳ hoạt động tốt hơn ở Việt Nam, chính sách thuế và hiệu quả chi tiêu cần phải được cải thiện. Khung chính sách thuế của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cập nhật, bao gồm thuế xanh (carbon) tiềm năng, thuế bất động sản và sửa đổi chi tiêu thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, về mặt chi tiêu, quản lý đầu tư công sẽ được hưởng lợi từ những cải cách liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện các chính sách thuế (như đã nói ở trên).

Chính phủ đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc số hóa nền hành chính công để nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ. Những lợi ích này cần được tiếp tục theo đuổi để cho phép thanh toán kỹ thuật số các phúc lợi trợ cấp xã hội trên toàn quốc.

*PV: Theo bà, thời gian tới, Việt Nam cần lưu ý điều gì khi điều hành chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh thế giới bất ổn như hiện nay?

TS. Dorsati Madani: Tôi cho rằng, trong thời gian tới, công tác điều hành chính sách tài khóa cần lưu ý 3 điểm sau.

Thứ nhất, việc phát triển một bộ công cụ tài khóa đầy đủ và hiệu quả hơn – cả về chính sách thuế và chi tiêu như tôi đã thảo luận ở trên – sẽ giúp các cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa của Việt Nam.

Thứ hai, với tỷ lệ nợ công trên GDP là 38% vào năm 2022, Việt Nam có dư địa tài chính dồi dào để đầu tư vào các dự án chiến lược có thể giúp hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang trạng thái thu nhập cao vào năm 2045.

Trong đó, đầu tư công có thể đóng một vai trò quan trọng theo hai cách: trong ngắn hạn, chính quyền có thể xem xét gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ kinh tế (2022-2023) đến năm 2024 để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được thực hiện đầy đủ, hỗ trợ tổng cầu.

Trong trung hạn, ưu tiên đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực mang tính chiến lược nhằm khai thác các tiềm năng phát triển - như năng lượng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực hậu cần - sẽ là vấn đề then chốt. Đồng thời, Chính phủ cần chú ý tăng cường các khía cạnh xanh và khả năng phục hồi của các khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong trung hạn.

Cuối cùng, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, cần chú ý duy trì sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

*PV: Xin cảm ơn bà!

"Nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh vào năm 2023, với cầu bên ngoài yếu và trong nước ở mức vừa phải. Mức tăng trưởng GDP thực tế được ghi nhận là 5,05%, tương đối thấp so với 20 năm qua, ngoại trừ những năm xảy ra dịch bệnh.

Đối với năm 2024, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam thực tế sẽ tốt hơn một chút so với năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng trước đại dịch là 6,5 - 7% mỗi năm. Chúng tôi nhận thấy, những dấu hiệu phục hồi mong manh ở các thị trường xuất khẩu vào nửa cuối năm 2023 và kỳ vọng sự phục hồi này sẽ tiếp tục vào năm 2024. Nhưng kỳ vọng này bị hạn chế bởi thực tế là sự tăng trưởng ở các đối tác thương mại lớn như Mỹ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc được dự đoán là nhìn chung sẽ bị giảm tốc trong năm 2024" - TS. Dorsati Madani chia sẻ.