Hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế đã được gia hạn

Trước khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát ngày 27/4/2021 với ca nhiễm trong nước đầu tiên tại Yên Bái sau rất nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, ngày 19/4/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Theo Nghị định 52, có 5 đối tượng được thụ hưởng chính sách này.

Cụ thể bao gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế; doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế; doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2012/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế đã được gia hạn giúp doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế đã được gia hạn giúp doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Về thời gian gia hạn: Gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6/2021 và quý I, quý II/2021; gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7/2021; 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8/2021; gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2021 thì thời gian gia hạn chậm nhất là ngày 31/12/2021; gia hạn 6 tháng đối với tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 kể từ ngày 31/5/2021.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến hết năm 2021 có gần 140.000 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó có 120.021 doanh nghiệp, tổ chức và 19.487 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 92.900 tỷ đồng.

Sau khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trên diện rộng khiến 23 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, ngày 25/9/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm với tổng số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sớm vực dậy nhờ được tiếp sức

Không chỉ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, để cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, sớm vượt qua khó khăn của dịch bệnh, ngày 19/10/2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Ngay sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP để quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406. Trong đó nêu rõ, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.

Áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có nhiều quy định mới về việc ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử (HĐĐT); ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn, tên liên hóa đơn; chuyển đổi áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế… Việc áp dụng HĐĐT trong thời điểm này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đối số của ngành Thuế theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Không áp dụng với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.

Nghị định 92 cũng giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây: dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch. Các sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.

Ngoài ra, Nghị định 92 còn miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.

Với chính sách gia hạn về thuế và giãn, giảm tiền thuê đất, hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế lẽ ra phải nộp ngân sách thì doanh nghiệp đã được giãn, hoãn và giảm nghĩa vụ phải nộp. Đây chính là nguồn lực quan trọng giúp cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Chỉ sau hơn 1 tháng chính sách giảm thuế TNDN được ban hành, ngày 26/11/2021 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, cũng như các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cũng như các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Mới đây nhất, ngày 4/12/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2021/NĐ-CP về gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Theo đó, nghị định cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11/2021 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể như sau: Thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021; thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11/2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.

Với các chính sách ưu đãi về lệ phí trước bạ ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước đã tạo nguồn lực to lớn, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế sớm vượt qua khó khăn, quay trở lại sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.