Chưa bãi bỏ mức lương cơ sở, bảo lưu cơ chế thu nhập đặc thù Tăng lương cơ sở 30% là mức đáng ghi nhận

Cuối giờ sáng ngày 29/6, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Chưa có phương án khả thi về xác định vị trí việc làm

Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW đã lùi lại nhiều lần, vậy khi nào mới thực hiện được?

Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phải theo hướng thận trọng, chắc chắn, hiệu quả. Thực tế, việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW đã có 3 lần lùi và tới nay thì vẫn chưa hoàn thành các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết này. Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã họp hơn 20 cuộc, chốt thực hiện được 4 nội dung và còn 2 nội dung chưa thực hiện được.

Đó là việc lập bảng lương mới, để làm được cần xác định theo vị trí việc làm, trên cơ sở đó xác định tinh giảm biên chế, mức lương từng vị trí thế nào cho thích hợp. Tuy nhiên quá trình thực hiện cho thấy xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ, hiện nay còn chưa có sự thống nhất tương đối giữa các bộ, ngành và địa phương, dù chung một lĩnh vực.

Chưa giảm được biên chế, khó thực hiện cải cách tiền lương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong tại cuộc họp báo

Với bảng lương của lực lượng vũ trang cũng có những biến động nhất định, ba thang bảng lương phải xác định rõ từng vị trí. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện chưa đến 30% là số đơn vị tự chủ toàn phần (tự chủ cả chi thường xuyên và đầu tư, số này chiếm rất ít) và tự chủ chi thường xuyên hoặc một phần chi thường xuyên. Còn lại trên 70% chưa tự chủ được, phụ thuộc ngân sách nhà nước.

Theo ông Đặng Thuần Phong, nếu không cơ chế giải quyết được bài toán vị trí việc làm ở các đơn vị sự nghiệp công lập thì không tính được nguồn lực cho cải cách tổng thể tiền lương. Chính vì thế, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã đề nghị chậm lại, cho phép Chính phủ rà soát thật kỹ, tính toán thật kỹ.

“Đáng lẽ, phải xác định vị trí việc làm trên cơ sở chúng ta giảm được biên chế, rồi mới tính ra các mức lương, các hệ số lương… đi theo mới hợp lý, nhưng chúng ta chưa làm được. Do vậy, phải rất thận trọng, cân nhắc thật kỹ” - Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong cho hay.

Dự kiến sắp tới, Chính phủ sẽ rà soát tổng thể tất cả bảng lương ở từng lĩnh vực liên quan để có sự thống nhất quản lý nhà nước về tiền lương, trên cơ sở đó tính toán nguồn lực và có giải pháp thực thi hiệu quả.

Đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả, công bằng

Một nội dung cũng chưa thực hiện được là cơ cấu lại, sắp xếp 9 chế độ phụ cấp mới. Cơ cấu hiện nay là phụ cấp chiếm 40%, lương cơ bản 60%, khi sắp xếp lại sẽ còn là 30 – 70. Tuy nhiên, nếu xử lý không đồng bộ thì có những người hưởng lương ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn sẽ rất thiệt thòi bởi mức lương còn nhận được sẽ thấp khi phụ cấp giảm. Có thể lương họ sẽ thấp hơn khi thực hiện cải cách tiền lương, như vậy không khuyến khích được người lao động. Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương cũng nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chia sẻ.

Bên cạnh đó, nếu áp dụng đầy đủ theo 9 phụ cấp này cũng có nhiều vấn đề phát sinh, kể cả đối với người nhận lương hưu trước 1/7/2024 cũng khác so với người nhận lương hưu sau 1/7/2024.

Chưa giảm được biên chế, khó thực hiện cải cách tiền lương
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp báo.

Trước những bất cập này, nhận thấy chưa có sự tương thích đồng bộ giữa các đối tượng thụ hưởng, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tính toán hài hòa vấn đề phụ cấp. Đồng thời tính toán 10% quỹ khen thưởng khác so với Luật Thi đua, khen thưởng, nhằm động viên từng cơ quan, đơn vị khi thực hiện cải cách tiền lương.

Ngoài ra, cũng theo ông Nguyễn Thuần Phong, khi cải cách tiền lương, bỏ lương cơ sở còn phải sửa hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lương cơ sở. Hiện Chính phủ vẫn đang rà soát, chưa trình ra được.

“Liên quan đến vấn đề tiền lương phải có sự đánh giá hết sức kỹ càng khi thực thi để mang lại hiệu quả, công bằng, hợp lý trên từng lĩnh vực, đặc biệt là cân đối được nguồn lực thực hiện. Tới giờ phút này, chúng ta đã cân đối được 913.000 tỷ đồng cho tới năm 2026. Từ năm 2026 về sau, nguồn lực như thế nào thì chúng ta chưa dự báo và xác định được” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.

Vì sao lương hưu chỉ tăng 15%?

Liên quan đến chính sách tiền lương, một câu hỏi khác là “vì sao lương cơ sở tăng 30% nhưng lương hưu chỉ tăng 15%?”.

Theo ông Nguyễn Thuần Phong, trước đây lương hưu đã được điều chỉnh vài lần theo Luật Bảo hiểm xã hội. Vừa qua, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương dự tính tăng lương hưu 11,5% từ 1/7/2024, như vậy sẽ ngang bằng với mức tăng 30% của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, đời sống người hưu trí còn nhiều khó khăn, nên Ban Chỉ đạo xác định tăng lên 15%. Như vậy, cộng lại các lần tăng trước và biến động CPI thì đã trên mức tăng 30% của lương cơ sở. Đối với cán bộ, công chức do nhiều lần chưa thực hiện tăng lương được, nên lần này tăng đồng bộ 30%, ông Nguyễn Thuần Phong giải thích.