ck pho wall

Trong phiên 25/8, chỉ số S&P 500 đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 2.000 điểm. Ảnh maxi-forex.com

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 75,65 điểm (0,44%), lên 17.076,87 điểm. Đáng chú ý là trong phiên 25/8, chỉ số S&P 500 đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 2.000 điểm, song đà tăng này đã thoái trào vào cuối phiên khiến chỉ số này chỉ đóng cửa ở mức 1.997,92 điểm, tăng 9,52 điểm (0,48%) so với phiên trước đó.

Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng ghi thêm 18,80 điểm (0,41%), lên 4.557,35 điểm.

Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của các Thống đốc ngân hàng trung ương ở Jackson Hole, Wyoming vào ngày 22/8 vừa qua, Chủ tịch Fed Janet Yellen vẫn giữ nguyên quan điểm là kinh tế Mỹ vẫn cần sự hỗ trợ từ Fed, bởi tỷ lệ thất nghiệp mặc dù giảm nhanh hơn kỳ vọng, xuống 6,2%, nhưng vấn đề việc làm cần phải được đảm bảo hơn nữa.

Điều này cho thấy hiện vẫn không có gì thay đổi trong kế hoạch tăng lãi suất vào cuối năm tới của Fed, dù có nhận định lãi suất sẽ được nâng lên sớm hơn, dựa trên nội dung biên bản cuộc họp tháng Bảy của Fed mới được công bố.

Vì vậy đã làm cho giới đầu tư cổ phiếu tạm thời an tâm rằng mức lãi suất thấp gần 0% hiện tại vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới. Ngoài ra, "sắc xanh" trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng được tô điểm bởi các thông tin mua bán sáp nhập sôi động từ một loạt doanh nghiệp.

Cụ thể, cổ phiếu của hãng dược phẩm InterMune đã tăng 35,4%, lên 72,85 USD/cổ phiếu sau khi công ty dược phẩm Thụy Sĩ Roche thông báo mua lại hãng này với giá 8,3 tỷ USD (tương đương 74 USD/cổ phiếu).

Trong khi đó, Burger King và chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh nổi tiếng Canada Tim Hortons cũng vừa xác nhận thông tin sáp nhập.

Cũng trong phiên ngày 25/8, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau lên điểm, sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi, bày tỏ sự tin tưởng rằng các biện pháp gần đây của ECB như hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, cung cấp các khoản cho vay lãi suất thấp và mua trái phiếu để bơm tiền vào nền kinh tế khu vực… sẽ giúp kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) "đứng vững trên đôi chân" của mình.

Mặc dù tại Pháp vừa diễn ra một biến động chính trị mới, song đà tăng của các chỉ số chứng khoán châu Âu vẫn được củng cố sau khi Fed để ngỏ khả năng nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Ngày 25/8, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Francois Hollande giữa bối cảnh uy tín của vị Thủ tướng này rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi ông thành lập chính phủ hiện nay cách đây bốn tháng.

Theo số liệu của Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (Insee), nền kinh tế Pháp đi theo đường nằm ngang trong quý II năm nay, chủ yếu do các xí nghiệp tiếp tục cắt giảm đầu tư dù đã nhận được trợ giúp của chính phủ.

Tính chung sáu tháng đầu năm, kinh tế Pháp chỉ tăng trưởng 0,6% và đang đối mặt với nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 1% như đã đề ra. Đóng cửa phiên này, tại thị trường Pari, chỉ số CAC 40 tiến 2,10%, lên 4.342,11 điểm.

Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 tăng 1,83%, đóng cửa ở mức 9.510,14 điểm. Thị trường Anh đóng cửa nghỉ lễ.

Tuy nhiên, trái với diễn biến tích cực tại Mỹ và châu Âu, tới đầu phiên giao dịch ngày 26/8 tại châu Á, các thị trường chứng khoán chủ chốt lại đảo chiều đi xuống. Mặc dù vậy, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn tăng 0,1% nhờ những đồn đoán về khả năng ECB sẽ mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ vào tuần tới nhằm thúc đẩy kinh tế Eurozone.

Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 3,61 điểm (0,02%), xuống 15.609,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng của Thượng Hải và Hong Kong cũng lần lượt mất 4,24 điểm (0,35%) và 19,16 điểm, xuống còn 1.218,83 điểm và 25.147,75 điểm./.

Minh Trang (Theo AFP)