Hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá của Việt Nam thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của WHO

Cấp thiết giảm thiểu sử dụng thuốc lá

Trước tình hình sử dụng thuốc lá ở mức báo động và nhận thức rõ các tác động tiêu cực mà thuốc lá gây ra cho xã hội và nền kinh tế, ngày 7/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Vital Strategies tổ chức hội thảo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.

Chuyên gia đồng tình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá để hạn chế tác hại
TS. Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Anh

Tại hội thảo các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia y tế, kinh tế và đại diện các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao việc tăng thuế thuốc lá đủ mạnh để hướng tới giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá đồng thời tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng sử dụng thuốc lá ở mức đáng báo động.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về tỷ lệ sử dụng thuốc lá, với khoảng 15,3 triệu người hút thuốc trực tiếp và 33 triệu người hút thuốc thụ động. Đáng chú ý, trong số này, phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động.

"Những hệ lụy về sức khỏe và chi phí xã hội từ việc hút thuốc lá là vô cùng nghiêm trọng, với ước tính mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này có thể lên tới 70 nghìn người vào năm 2030, theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Do đó, vấn đề giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết" - bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Tại hội thảo các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Bên cạnh việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá, triển khai các chương trình tuyên truyền, cũng như áp dụng biện pháp cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm.

Đặc biệt, công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt đã được chú trọng hơn, nhằm gia tăng chi phí sử dụng thuốc lá, qua đó giảm thiểu tiêu dùng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được trình Quốc hội lấy ý kiến trong kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, có nội dung này là minh chứng cho mục tiêu giảm thiểu tác hại của thuốc lá.

Áp dụng thuế hỗn hợp đối với mặt hàng thuốc lá

Tại hội thảo các chuyên gia kinh tế và y tế đồng thuận với đề xuất tăng thuế thuốc lá tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với các thách thức về sức khỏe do thuốc lá gây ra.

Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đã được xác định là một công cụ quan trọng nhằm kiểm soát tỷ lệ sử dụng các mặt hàng này. Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm tăng giá sản phẩm, từ đó hạn chế nhu cầu sử dụng. Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đóng vai trò trong việc kiềm chế tỷ lệ tiêu dùng mà còn tạo ra một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Chuyên gia đồng tình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá để hạn chế tác hại
Áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá. Ảnh: TL minh họa

Cụ thể hoá mục tiêu nêu trên được biết, dự thảo luật đề xuất áp dụng thuế hỗn hợp đối với mặt hàng thuốc lá. Theo đó, giữ nguyên mức thuế suất thuế tỷ lệ 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026-2030 theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%). Cụ thể, đề xuất 2 phương án như sau:

Phương án 1: Từ năm 2026 đến năm 2030, bổ sung thuế tuyệt đối và tăng dần từ 2.000 đồng/bao lên 10.000 đồng/bao đối với thuốc lá điếu; từ 20.000 đồng/điếu đến 100.000 đồng/điếu đối với xì gà; từ 20.000 đồng/100g hoặc 100ml lên 100.000 đồng đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác.

Phương án 2: Từ năm 2026 đến năm 2030, bổ sung thuế tuyệt đối và tăng dần từ 5.000 đồng/bao lên 10.000 đồng/bao đối với thuốc lá điếu; từ 50.000 đồng/điếu đến 100.000 đồng/điếu đối với xì gà; từ 50.000 đồng/100g hoặc 100ml lên 100.000 đồng đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác.

Chính phủ nghiêng về phương án 2 bởi vì: Lộ trình tăng mức thuế tuyệt đối tại Phương án 2 đã được cân nhắc tính toán trên cơ sở các yếu tố như giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng; gánh nặng chi phí y tế liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra.

Khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn, sớm hơn và ở mức độ lớn hơn để gần tiếp cận đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên đề ra tại Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá (xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026-2030) và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%)./.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính đã bám sát căn cứ: Nghị quyết 20-NQ/TW (ngày 25/10/2017) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân: “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”; Quyết định 586/QĐ-TTg (ngày 24/5/2023) về Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá; Mục tiêu là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% giai đoạn 2026-2030.