Cổ phiếu toàn cầu trượt dốc khi lợi suất trái phiếu Mỹ lần đầu chạm mốc 5%

Cổ phiếu trượt dốc sau 10 năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vượt mốc 5%, lần đầu tiên kể từ năm 2007. Ảnh: Reuters

Thị trường lo lắng khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh

Đầu phiên ngày thứ sáu (20/10), lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giao dịch ở mức 4,98%, thấp hơn mức đỉnh 16 năm một ngày trước đó, nhưng với giá dầu tăng trở lại trên 93 USD/thùng và Israel ám chỉ một cuộc can thiệp toàn diện vào Gaza, tâm trạng thị trường trở nên căng thẳng.

Lợi suất trái phiếu đã tăng gần đây và các chiến lược gia cho rằng hành động này là do một số yếu tố: Lo ngại FED sẽ giữ lãi suất chuẩn ở mức cao để chống lạm phát; một nền kinh tế và thị trường lao động luôn hoạt động tốt hơn mong đợi; thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, đòi hỏi nhiều nguồn cung hơn để tung ra thị trường khi FED rút lui khỏi vai trò người mua; sự gia tăng phí bảo hiểm có kỳ hạn, là mức lợi suất tăng thêm mà các nhà đầu tư yêu cầu vì họ lo lắng lãi suất có thể thay đổi theo thời hạn mà họ phải nắm giữ trái phiếu.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn lần đầu tiên vượt 5% sau 16 năm vào ngày 19/10. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt 5,001% vào khoảng 5 giờ chiều theo giờ ET, lần đầu tiên được giao dịch trên mức đó kể từ ngày 20/7/2007, khi nó mang lại lợi suất cao tới 5,029%.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đã can thiệp vào thị trường trái phiếu của nước này khi lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm chạm mức cao nhất trong một thập kỷ, trong khi USD và đồng franc Thụy Sĩ đều được giữ ở mức giá tốt.

“Thực tế lợi suất trái phiếu có rất ít sự sụt giảm trong 48 giờ qua mặc dù S&P 500 giảm hơn 2% và chỉ số VIX lần đầu tiên đóng cửa ở mức trên 21 kể từ tháng 3 là điều rất đáng lo ngại theo quan điểm của tôi” - chiến lược gia Alvin của RBC Capital cho biết.

Ngân hàng Trung ương châu Âu họp vào tuần tới và dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp nhưng hiện tại, các nhà giao dịch chỉ đang cố gắng trụ vững đến cuối tuần.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết vào ngày 19/10, ông đồng ý "về nguyên tắc" rằng sự tăng vọt gần đây của lãi suất trái phiếu có thể "ở mức cận biên" làm giảm yêu cầu tăng lãi suất nhiều hơn, nhưng cũng nhấn mạnh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Các nhà phân tích của Bank of America chỉ ra rằng, GDP danh nghĩa của Mỹ đã tăng 40% “đáng chú ý” trong 3 năm qua, tăng tốc trở lại trong quý III với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7 - 8%.

Cổ phiếu giảm, vàng, dầu hướng tuần tăng giá thứ hai liên tiếp

Thị trường cổ phiếu châu Âu đã giảm 1% vào ngày 20/10. Chứng khoán châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua đêm và thị trường tương lai chỉ ra một đợt trượt giá khác ở Phố Wall, mất 2% trong hai ngày qua.

Những rắc rối ở Trung Đông và chi phí đi vay toàn cầu gia tăng đồng nghĩa với việc chứng khoán tại các thị trường mới nổi cũng như chỉ số chính của châu Á - Thái Bình Dương của MSCI đều ở mức thấp nhất trong 11 tháng.

Chỉ số Nikkei của Tokyo kết thúc phiên giảm 0,5% trong ngày và giảm 3,2% trong tuần, gần như là mức tồi tệ nhất trong năm cho đến nay. Dữ liệu từ Nhật Bản cho thấy lạm phát cơ bản trong tháng 9 lần đầu tiên chậm lại dưới ngưỡng 3% sau hơn một năm.

Các bluechip của Trung Quốc và Hang Seng của Hồng Kông đều giảm 0,7%. Trung Quốc ngày 20/10 đã giữ lãi suất cho vay chuẩn ổn định sau một số dấu hiệu ổn định của nền kinh tế trong tuần này.

Cổ phiếu toàn cầu trượt dốc khi lợi suất trái phiếu Mỹ lần đầu chạm mốc 5%
Cổ phiếu trượt dốc khi lợi suất trái phiếu Mỹ lần đầu chạm mốc 5%. Ảnh: NYSE

Trên thị trường tiền tệ, đồng Yên đã nhanh chóng quay trở lại mức 150 ăn 1 USD, mặc dù đồng bạc xanh không thay đổi so với các loại tiền tệ lớn khác trên thế giới sau một tuần gần như yên tĩnh theo tiêu chuẩn của nó.

Vàng đã leo lên mức cao nhất trong 3 tháng vào thứ sáu, tăng tuần thứ hai liên tiếp do lo ngại về xung đột gia tăng ở Trung Đông đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn. Theo đó, vàng đã tăng 2,5% trong tuần này sau khi tăng 5,22% vào tuần trước. Vàng giao ngay tăng 0,3% ở mức 1.979,3 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 20/7. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5% lên 1.991,4 USD.

Giá dầu hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp do lo ngại xung đột khu vực leo thang ở Trung Đông sẽ làm gián đoạn nguồn cung. Dầu thô Mỹ tăng 1% lên 90,30 USD/thùng và dầu Brent ở mức 93,50 USD, tăng 1,2% trong ngày.

Tuần tới có thể sẽ là một thử thách lớn mặc dù Microsoft và Alphabet sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý thứ 3 của họ vào ngày 24/10, tiếp theo là chủ sở hữu Facebook - Meta công bố kết quả vào thứ Tư (25/10) và Amazon vào thứ Năm. Những cổ phiếu đó cùng với Apple, Nvidia và Tesla cộng lại đã chiếm phần lớn mức tăng 11% từ đầu năm đến nay của S&P 500, vì vậy bất kỳ kết quả thất vọng nào cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

“Tình hình đang diễn ra ở Trung Đông đã gây ra sự biến động gia tăng trên thị trường dầu mỏ và chứng khoán, buộc các nhà đầu tư phải đánh giá lại chiến lược của họ và chuyển trọng tâm từ tài sản rủi ro hơn sang đầu tư an toàn hơn” - Fawad Razaqzada - nhà phân tích thị trường tại City Index và Forex.com cho biết.

Vì sao biến động lãi suất trái phiếu lại quan trọng?

Trái phiếu là một hàng rào hữu ích, bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và là nơi trú ẩn an toàn để gửi tiền trong thời kỳ hỗn loạn. Tầm quan trọng của trái phiếu chính phủ của Mỹ giúp giải thích tại sao sự dịch chuyển của thị trường trái phiếu lại quan trọng đối với thế giới thực.

Là lãi suất phi rủi ro cơ bản, tất cả các khoản đầu tư khác đều được so sánh với chúng và khi lãi suất trái phiếu của Mỹ tăng lên, sẽ lan ra các thị trường rộng hơn, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ các khoản vay mua ô tô đến thấu chi, vay chi tiêu công và chi phí tài trợ cho việc tiếp quản công ty.

Lãi suất cao hơn có nghĩa là các quốc gia phải bỏ ra nhiều tiền hơn để vay. Theo Viện Tài chính quốc tế, số dư nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 307 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm 2023. Tại Mỹ, trong 11 tháng tính đến tháng 8/2023, chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ đã lên tới 808 tỷ USD, tăng khoảng 130 tỷ USD so với năm trước.

Trái phiếu kho bạc Mỹ cũng được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất trên hành tinh, trong khoảng một thập kỷ qua, phần thưởng cho việc nắm giữ chúng rất khiêm tốn do lợi suất bị giảm. Khi chúng tiến gần đến mốc 5%, những trái phiếu này trông hấp dẫn hơn nhiều so với các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như cổ phiếu.

Ian Lyngen - người đứng đầu chiến lược lãi suất tại BMO Capital Markets, đã cảnh báo nếu trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt 5%, điều đó có thể chứng tỏ một “điểm cong” gây ra làn sóng bán tháo rộng rãi hơn đối với các tài sản rủi ro như cổ phiếu”.

Lãi suất cao hơn cũng đã tác động tiêu cực đến việc các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn trong 18 tháng qua, khiến những người cho vay lo ngại sẽ mắc nợ trên sổ sách mà họ không thể bán cho nhà đầu tư.

Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong hoạt động mua lại bằng đòn bẩy, vốn là huyết mạch của thị trường M&A lành mạnh. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, giá trị giao dịch toàn cầu đứng ở mức 1,9 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9, khiến các nhà giao dịch phải đối mặt với năm tồi tệ nhất trong một thập kỷ.

Các công ty cổ phần tư nhân bị ảnh hưởng đặc biệt, với giá trị thương vụ mua lại của họ giảm 45% trong năm nay xuống còn khoảng 384 tỷ USD, năm thứ hai liên tiếp tỷ lệ giảm hai con số.