Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới Kiểm soát chặt thị trường, tránh tăng giá “té nước theo mưa” Quản lý giá cả vẫn rất thận trọng, không lơ là chủ quan

Kìm đà tăng sốc theo giá xăng dầu thế giới

Tại Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", một số ý kiến quan tâm đến những rủi ro lạm phát ở Việt Nam trong thời gian gần đây do giá xăng dầu tăng cao.

Có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm kiềm chế giá dầu, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng.

Cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt thị trường, không để tăng giá bất hợp lý
Ông Đặng Công Khôi tham gia trả lời tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Minh.

Trả lời tại Diễn đàn, ông Đặng Công Khôi cho biết, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất, tiêu dùng và an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu đã tác động đến kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

“Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao và tác động trực tiếp đến giá xăng dầu trong nước, thì việc tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ để hạn chế những biến động tăng đột biến đối với giá xăng dầu trong nước là cần thiết, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu” - ông Đặng Công Khôi cho hay.

Theo đó, giá xăng dầu trong nước thực hiện theo cơ chế thị trường, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Trong quá trình giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, giá xăng dầu trong nước đã được điều hành linh hoạt, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được chi liên tục để bình ổn giá.

Nhờ công cụ Quỹ Bình ổn giá, giá xăng dầu trong nước thời gian qua đã có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Tính toán giá xăng dầu phải đồng bộ các giải pháp

Cũng theo đại diện đến từ Cục Quản lý giá, để giảm đà tăng của giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 thực hiện giảm từ 50% - 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

“Ngay từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương dự báo diễn biến giá xăng dầu để cập nhật trong các kịch bản điều hành giá. Đồng thời, công tác quản lý điều hành giá tiếp tục được đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý; qua đó kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu dưới 4%” - ông Đặng Công Khôi nói.

Thông tin thêm đến các doanh nghiệp tại Diễn đàn, ông Đặng Công Khôi cho biết, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu; rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa bất hợp lý” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho hay.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của ông liên quan đến giá xăng dầu.

Theo Bộ trưởng, giá xăng tăng khiến Bộ Tài chính cũng rất trăn trở và đã tính toán, lên các kịch bản về tác động của giá xăng dầu tới nền kinh tế. Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới đứng ở mức cao, nhưng giá trong nước vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia lân cận. Đây chính là nỗ lực của cơ quan điều hành.

Bộ trưởng cho biết, giá dầu thô có thời điểm tăng đến 130 USD/thùng, đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, cũng như nguồn thu ngân sách mà doanh nghiệp đóng góp. Tuy nhiên, nếu để điều chỉnh, phải thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ, không chỉ là các giải pháp về thuế, phí, mà còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu, xăng dầu dự trữ, Quỹ Bình ổn giá, chống buôn lậu…/.