tl

Đối với ngành Tài chính, chiếc màn bí mật đã dần được vén lên ở cả những lĩnh vực từng được xem là “kín như bưng”, chẳng hạn: Nợ công, nợ xấu, tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... Để công khai minh bạch một cách đúng nghĩa thì báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Gần đây, báo chí liên tục thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), danh sách doanh nghiệp nợ thuế, nợ công, nợ xấu. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính nhà nước. Theo đó, Nghị định yêu cầu công khai rộng rãi báo cáo tài chính nhà nước hàng năm. Các Nghị quyết về kinh tế của Ban chấp hành Trung ương 5 vừa qua cũng nhấn mạnh yếu tố công khai, minh bạch. Đây là yêu cầu tất yếu của sự phát triển và báo chí góp phần quan trọng thực hiện sứ mệnh này. Tính công khai là một xu thế tất yếu, là biểu hiện quan trọng của nền dân chủ, trong đó có quyền được thông tin và tự do ngôn luận.

Ngoài công khai các báo cáo tài chính, việc đa dạng hóa trong thông tin càng đảm bảo tính minh bạch. Ý kiến trên báo chí có thể được nhiều người phản biện, thảo luận, bàn cãi từ nhiều góc độ khác nhau nên vấn đề càng được làm sáng tỏ. Việc công khai trên báo chí vừa đảm bảo tính đại chúng vừa đảm bảo độ tin cậy do được công khai một cách chính tắc thay vì thông tin suy đoán, thiếu chính xác. Sau công khai của các cơ quan chức năng, báo chí đã thực hiện chức năng giám sát, phản biện làm rõ vấn đề, đảm bảo thông tin minh bạch hơn.

Báo chí đã thực hiện rất tốt sứ mệnh này ở một số lĩnh vực như: Tình trạng sử dụng xe công, đề bạt bổ nhiệm cán bộ, môi trường, xây dựng... Nhưng đối với tình hình hoạt động, tài chính DNNN (một lĩnh vực tài chính) thì vẫn thiếu đi tính quyết liệt theo đuổi đến cùng như vậy. Dù rằng đây là lĩnh vực quan trọng, tiềm ẩn tham nhũng, dễ thất thoát vốn và Chính phủ đã có chủ trương công khai, minh bạch. Cụ thể, báo chí tập trung thông tin về kết quả hoạt động, nhất là sự thua lỗ, thất thoát, nợ nần của DNNN nhưng lại thiếu “thông tin bốc thuốc” để hạn chế tình trạng này.

Chẳng hạn, với thông tin mà các báo nêu tháng 2/2017, Bộ Tài chính công bố một số DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa gửi hoặc gửi không đúng hạn các báo cáo giám sát tài chính năm 2015 về Bộ Tài chính theo quy định. Thủ tướng Chính phủ giao các bộ quản lý ngành xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không gửi, gửi không đúng hạn các báo cáo về Bộ Tài chính. Theo đó, “đối với viên chức quản lý doanh nghiệp: Chủ sở hữu thực hiện các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc, quyết định mức lương và các lợi ích khác đối với viên chức quản lý doanh nghiệp nếu vi phạm các quy định: Không nộp, nộp không đầy đủ, không đúng hạn các báo cáo…”.

Với những thông tin ban đầu này, báo chí đã làm rất tốt. Nhưng đáng tiếc là thông tin chỉ mới dừng lại ở mức công bố doanh nghiệp vi phạm mà chưa xác minh họ tên “viên chức quản lý” đi kèm. Do công khai minh bạch là chủ trương của Chính phủ, nên trường hợp này, báo chí hoàn toàn có thể tìm hiểu và công khai đầy đủ họ tên viên chức quản lý, hình thức kỷ luật từng người phải nhận, thời điểm bị kỷ luật. Sau khi công khai, báo chí cần tiếp tục giám sát việc xử lý kỷ luật đó của các cơ quan chủ quản. Nếu đến mốc thời gian đó vẫn chưa thấy xử lý thì phải tiếp tục tìm hiểu cơ quan chủ sở hữu bao giờ sẽ xử lý.

Nếu làm được điều này, sức nặng của thông tin báo chí sẽ tăng lên rất nhiều, góp phần hối thúc các cơ quan chủ quản, cá nhân phải chấp hành. Như vậy, báo chí đã góp phần vào công tác giám sát tài chính nhằm hạn chế che giấu, bưng bít thông tin dẫn đến tình trạng khi biết thì đã vỡ nợ. Tương tự đối với trách nhiệm cơ quan chủ sở hữu không thực hiện báo cáo theo quy định báo chí cần làm rõ: Ai phải là người chịu trách nhiệm, trách nhiệm gì, bao giờ xử lý cũng cần công khai cả họ tên, chức vụ, hình thức kỷ luật, thời gian kỷ luật và giám sát việc thực thi?

Nếu có nhiều thông tin kịp thời như thế này, chắc chắn sẽ ít đi thông tin về nợ nần, đổ vỡ, yếu kém..., vì công khai minh bạch là một trong những yếu tố cơ bản trong giám sát tài chính doanh nghiệp hiện nay./.

Hà Minh