ho kinh doanh

Từ ngày 1/1/2016, trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ vào doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.

Thực chất, cách quản lý mới bằng việc thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho mức thuế đối với các hộ kinh doanh nộp thuế khoán (theo Thông tư 92 của Bộ Tài chính) và một số quy định khác sẽ tăng tính minh bạch trong quản lý hộ kinh doanh nộp thuế khoán.

Tách bạch và minh bạch

Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Thu nhập cá nhân (TNCN - Tổng cục Thuế), từ năm 2015 cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán là cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh (trừ cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế theo từng lần phát sinh, cá nhân cho thuê tài sản, cá nhân làm đại lý bán đúng giá), không phân biệt có thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ hay không.

Từ ngày 1/1/2016, trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ vào doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn, (không phân biệt hóa đơn sử dụng theo quyển hay hóa đơn sử dụng lẻ theo từng số).

Đối với cá nhân kinh doanh và nộp thuế khoán nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì thực hiện khai và tính thuế theo từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp không xác định riêng được thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu khoán của từng lĩnh vực, ngành nghề.

Cá nhân nộp thuế khoán trong năm có thay đổi về hoạt động kinh doanh (ngành nghề, quy mô, địa điểm,...) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung để cơ quan thuế có cơ sở xác định lại doanh thu khoán, mức thuế khoán và các thông tin khác về cá nhân kinh doanh cho thời gian còn lại của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân kinh doanh không thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì cơ quan thuế chỉ xác định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế nếu qua số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán. Trường hợp có thay đổi ngành nghề kinh doanh thì thực hiện điều chỉnh bổ sung theo thực tế của ngành nghề kinh doanh thay đổi.

Công khai mức khoán đến từng hộ

Theo quy định, hàng năm, các chi cục thuế có trách nhiệm niêm yết để lấy ý kiến công khai về doanh thu và mức thuế phải nộp của hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Việc công khai phải thực hiện 2 lần: lần 1 là mức dự kiến và lần 2 là mức chính thức.

Từ năm 2016, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, ngoài việc niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan thuế, UBND, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, các chi cục thuế còn phải thực hiện gửi tài liệu niêm yết công khai như sau: Chi cục thuế gửi tài liệu niêm yết công khai lần 1 và lần 2 đến HĐND và mặt trận tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn, đồng thời chi cục thuế tổ chức tiếp nhận ý kiến phản hồi (nếu có) để làm ăn cứ điều chỉnh, bổ sung mức doanh thu khoán và mức thuế khoán của hộ kinh doanh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các chi cục thuế gửi bảng công khai thông tin cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán lần 1 và lần 2 cho từng cá nhân kinh doanh; đồng thời các chi cục thuế tổ chức tiếp nhận ý kiến phản hồi của cá nhân kinh doanh (nếu có) để làm ăn cứ điều chỉnh, bổ sung mức doanh thu khoán và mức thuế khoán của hộ kinh doanh trên địa bàn.

Bảng công khai gửi cho cá nhân được lập theo địa bàn bao gồm cả cá nhân thuộc diện phải nộp thuế và cá nhân thuộc diện không phải nộp thuế. Với chợ, đường, phố, tổ dân phố có từ hai trăm (200) cá nhân kinh doanh trở xuống thì chi cục thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh Bảng công khai của các cá nhân kinh doanh tại địa bàn. Trường hợp chợ, đường, phố, tổ dân phố có trên 200 cá nhân kinh doanh thì chi cục thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh Bảng công khai của không quá 200 cá nhân kinh doanh tại địa bàn. Riêng đối với chợ có trên 200 cá nhân kinh doanh thì chi cục thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh Bảng công khai theo ngành hàng.

Chi cục thuế thực hiện niêm yết công khai lần 2 trước ngày 30 tháng 1 hàng năm tại bộ phận một cửa của chi cục thuế và UBND quận, huyện; và tại cửa, cổng hoặc địa điểm thích hợp của: trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; trụ sở đội thuế; ban quản lý chợ;... đảm bảo thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin để giám sát của người dân và cá nhân kinh doanh./.

Kiểm soát việc xác định doanh thu và mức thuế khoán

Theo quy định, các cục thuế kiểm tra thực tế hằng năm tối thiểu 20% số chi cục thuế, đối với việc xác định mức doanh thu khoán dự kiến, mức thuế dự kiến.

Cục thuế định kỳ kiểm tra thực tế tối thiểu 10% số chi cục thuế mỗi quý I, quý II, quý III. Kết quả kiểm tra là căn cứ xây dựng mức doanh thu dự kiến, mức thuế dự kiến cho năm sau và điều chỉnh doanh thu khoán, mức thuế khoán cho thời gian còn lại của năm tính thuế, nếu doanh thu thay đổi 50% so với doanh thu khoán.

Đức Minh