Đã thấy ánh sáng sau chuỗi ngày nghiệt ngã
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày 4/10/2021.

Đòn bẩy cho cả nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2021, nhất là dự báo về tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới. Chú ý tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới.

Mất mát đã qua, bứt phá đang tới

"Tương lai còn nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện ở đoạn cuối đường hầm. Những khó khăn lớn nhất đã nằm lại phía sau. Các doanh nghiệp đang đứng trước thời kỳ phục hồi sản xuất, lấy lại đà phát triển. Có ý chí, có quyết tâm, sẵn sàng đón nhận và nắm bắt những cơ hội kinh tế đang mở ra. Làm được như vậy thì không chỉ bù đắp được những mất mát đã qua mà còn là cơ hội lớn để bứt phá trong thời gian tới”. - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Ngay trước khi diễn ra phiên khai mạc Hội nghị này, các lãnh đạo chủ chốt của đất nước đã có các cuộc làm việc, bài viết đưa ra thông điệp, tầm nhìn và kế hoạch hành động thông suốt, nhất quán về “lối ra” đưa nền kinh tế của đất nước nhanh bước qua thời kỳ chao đảo. Như nhận định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại với các đại diện doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) ngày 2/10: “đã thấy ánh sáng cuối đường hầm”. “Đường hầm” mà cả nước đang phải trải qua, theo cảm nhận của ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, đó là“chuỗi ngày nghiệt ngã”.

Dành thời gian đối thoại với các đại diện doanh nghiệp TP. HCM không chỉ bởi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là đại biểu QH đoàn TP. HCM, mà còn vì TP. HCM chống dịch thành công cũng tạo nền móng thành công cho cả nước, kinh tế TP. HCM hồi phục cũng tạo đòn bẩy cho kinh tế cả nước hồi phục. Từng trải qua nhiệm kỳ là Thủ tướng dẫn dắt một Chính phủ như nhận xét của cộng đồng doanh nghiệp là “không ngày nào không bàn đến sự phát triển cho doanh nghiệp, lo cho doanh nghiệp”, Chủ tịch nước khẳng định: “muốn kinh tế hồi phục, phải trông chờ rất nhiều ở sự hồi phục của doanh nghiệp”.

Nỗ lực cao nhất tạo động lực mới

“Cùng với nỗ lực cao nhất về phòng, chống dịch, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng kinh tế tốt hơn và tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. - Thủ tướng Phạm Minh Chính

Quả quyết: “Dịch bệnh đã và đang bào mòn thu nhập và sức khỏe người dân, doanh nghiệp nhưng không thể làm nhụt ý chí và nghị lực vượt khó”, Chủ tịch nước ghi nhận: “trong bối cảnh hết sức khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp của TP. HCM đã rất kiên cường, cùng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, nắm tay nhau vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong 35 năm đổi mới”. Ông cho rằng tinh thần này của TP. HCM lan tỏa trong cả nước và “tất cả chúng ta đã và đang cùng nắm tay nhau”.

Chấm dứt nạn “cát cứ”

Để vực dậy nền kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm về việc cần tăng quy mô gói kích thích kinh tế. Đối với gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa, theo Chủ tịch nước, cần tăng cường miễn giảm thay vì trì hoãn nộp một số loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu việc kéo dài việc miễn, giảm nộp thuế đến năm 2022, nhất là tiền thuê đất.

Đã thấy ánh sáng sau chuỗi ngày nghiệt ngã
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Còn Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, trong bài viết: “Một số cơ chế, chính sách cấp thiết nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch Covid- 19” cũng cho rằng, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Việc thực hiện hỗ trợ phải được thường xuyên tiến hành tổng kết, đánh giá về tính hiệu quả, khả thi, xác định những vướng mắc, bất cập để kịp thời điều chỉnh, bảo đảm các chính sách được thực hiện đầy đủ, đáp ứng mục tiêu đã đề ra nhằm duy trì niềm tin xã hội.

Khẩn trương ban hành chính sách dài hạn

“Cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi. Nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội mang tính dài hạn cho giai đoạn 2021 - 2025 nhằm kích thích nền kinh tế hơn là đơn thuần hỗ trợ”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đặc biệt lưu ý đến hiện tượng “cát cứ” đang nổi lên ở các địa phương, cả hai nhà lãnh đạo đều cho rằng các địa phương phải có sự thống nhất trong đảm bảo lưu thông, không “cách núi ngăn sông”, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. “Có biện pháp bảo đảm vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn như tổ chức thực hiện luồng xanh vận tải; ban hành quy tắc phân loại chống dịch COVID-19 áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước…”- Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh - “tránh tình trạng địa phương hóa quá mức”.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 diễn ra cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch ở các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở, tiếp tục phối hợp giữa các địa phương, không để xảy ra tình trạng cát cứ, cục bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các địa phương căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn tài nguyên vô giá

Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 năm nay trùng đúng vào thời điểm làn sóng người lao động ồ ạt rời đi khỏi các “thủ phủ” kinh tế TP. HCM, Bình Dương… để hồi hương. Gửi thư nhân ngày này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: "Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng". Trong thư, ông khẳng định: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”.

Cho rằng: “Lúc này chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để cùng chung tay vượt qua đại dịch Covid-19”, người đứng đầu Nhà nước bày tỏ: “Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng người lao động Việt Nam luôn phát huy tối đa phẩm chất và năng lực của mình để vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất, góp phần đưa nước ta sớm chiến thắng dịch bệnh và thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng trong giai đoạn tới”.

“Xin đừng rời đi”- là mong mỏi lớn nhất lúc này của chính quyền TP. HCM với người dân. Trong Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 30/9, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan tha thiết đề nghị: “Mình ráng thêm một vài tháng nữa để có thêm nguồn thu nhập cho Tết rồi về. Thành phố sẽ cố gắng hết sức mình và mong muốn bà con ở lại". UBND TP. HCM đã ra văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp đón người lao động từ tỉnh, thành phố đến làm việc tại TP. HCM trong tình hình mới.