Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn của ĐB. Ảnh: TTXVN.

>> Thủy điện xả lũ: Dân chịu khổ, vậy ai chịu trách nhiệm?

Sáng 19/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

Đây là nội dung mới, lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các ĐB trao đổi với các thành viên Chính phủ về kết quả thực hiện “những lời hứa” tại các kỳ họp trước, trước khi tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII.

Hầu hết các ĐB cho rằng những vấn đề đại biểu, cử tri kiến nghị, bức xúc bước đầu được giải quyết, tháo gỡ. Song việc giải quyết còn chưa triệt để, đồng bộ, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, thường xuyên những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn.

Đánh giá cao những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực như việc loại 424 dự án thủy điện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn... tuy nhiên các ĐB cũng đề cập đến những vấn đề đang nóng như khó khăn của người dân liên quan đến các công trình thủy điện, vấn đề nợ đọng XDCB, phát triển nông nghiệp nông thôn…

ĐB bức xúc vì thủy điện xả lũ

Về phát triển nông nghiệp bền vững, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rang, một trong những trở ngại của phát triển nông nghiệp là phương thức tổ chức sản xuất. Cho rằng kinh tế hộ đã không còn hiệu quả cho bài toán nông nghiệp, ĐB đề xuất mô hình mở rộng các trang trại theo hình thức chủ trang trại thuê đất của nông dân nhiều hơn là tích tụ sở hữu đất, như mô hình Bắc Âu đang thực hiện rất thành công. Đồng thời, ưu đãi để các nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản nội địa hóa, tạo đột phát để phát triển nông nghiệp.

Đề cập tình hình lũ lụt nặng nề có nguyên nhân từ xả lũ thủy điện ở miền Trung, ĐB Đỗ Văn Đương cho rang, phải có quy định chặt chẽ, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm trong quy trình vận hành thủy điện, “không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu như vậy”. ĐB cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương trong vấn đề này.

Cùng nỗi bức xúc này, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) chuyển đến Quốc hội kiến nghị của cử tri về việc cần có giải pháp căn cơ để bảo đảm tính mạng, tài sản và đời sống của nhân dân vùng bão lũ.

“Không có giải pháp căn cơ thì các Phó Thủ tướng vào chỉ đạo quyết liệt, nhưng các Phó Thủ tướng đi thì lũ lại về. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên môi trường, mỗi năm chúng ta thiệt hại do bão lũ, thiên tai khoảng 1/5 GDP. Các hộ nghèo ở vùng này khá lên một chút, sau trận bão lũ lại bị nghèo lại”, ĐB Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Vì thế, ĐB kiến nghị quy hoạch lại vùng nông thôn, miền núi thường xuyên bị bão lũ, quy hoạch lại hệ thống thủy điện, thủy lợi. “Không thể chấp nhận việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết. Đến nay vẫn tranh luận với nhau giữa cơ quan quản lý và chính quyền địa phương về việc có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không? Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự, phải làm một vài vụ cho nghiêm, không thể để cho người dân thiệt hại vô cùng như vậy mà không ai bị xử lý”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, do Bộ trưởng Bộ Công thương hiện đang đi công tác, nên các câu hỏi sẽ được chuyển đến Phó Thủ tướng để báo cáo giải trình thêm trong hai ngày chất vấn sắp tới.

Năm 2015, cơ bản xử lý xong nợ XDCB trong kế hoạch nhà nước

Liên quan đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhắc lại chất vấn chưa được trả lời về tình trạng nợ đọng XDCB, liên quan tới kỷ luật sử dụng NSNN. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết đã xử lý theo thẩm quyền trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào trong việc để xảy ra tình trạng nợ đọng XDCB, cũng như các giải pháp để ngăn ngừa trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết: Nợ XDCB từ con số khoảng 85 nghìn tỷ hay gần 100 nghìn tỷ trước đây nay chỉ còn 43 nghìn tỷ đồng. Đây là một nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt từ sau Chỉ thị 1792 với những chế tài mạnh mẽ, yêu cầu các cấp có thẩm quyền không được ký phê duyệt các dự án, khi không cân đối được nguồn vốn và phải chịu trách nhiệm về việc này.

“Nếu chúng ta cứ chạy theo địa phương, thanh toán cho họ những khoản họ tự làm ngoài kế hoạch thì sẽ nhiều địa phương làm theo. Vì vậy, Chính phủ chỉ thanh toán cho những công trình nằm trong kế hoạch nhà nước, hiện nay rút xuống một nửa, chỉ còn có khoảng 43.000 tỷ”.

Theo Bộ trưởng, quy định của Luật Ngân sách là nếu ứng trước vốn thì được ứng trước 30% tổng mức đầu tư của một địa phương, như vậy nếu con số nợ khoảng 30% thì an toàn. Hàng năm hiện nay chúng ta đang bố trí kế hoạch khoảng 170.000 tỷ vốn ngân sách nhà nước. Nếu 30% các địa phương được phép ứng - gọi là nợ trong phạm vi 30% của mức năm sau mình được bố trí nằm trong ngưỡng an toàn thì khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng.

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng đến năm 2015 về cơ bản khống chế được toàn bộ nợ XDCB trong kế hoạch nhà nước. “Chỉ thị 1792 đã tạo ra một hiệu quả là số công trình mới gần như rất hạn chế, nợ đọng XDCB giảm rất nhanh và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Đến năm 2015, tôi tin việc này sẽ vào nề nếp hơn”, Bộ trưởng khẳng định.

Hoàng Yến