Cổ phiếu có là lựa chọn tốt?

Theo tờ Financial Times, ngay cả trong số những người dự đoán chính xác rằng, lạm phát gia tăng sẽ đẩy lãi suất tăng vào năm 2022, nhưng rất ít người dự đoán lợi suất trái phiếu tăng đột biến khiến lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng gấp đôi, lên 3,5% và hơn gấp ba lần đối với trái phiếu chính phủ Anh, lên 3,3%.

Thị trường chứng khoán đã có một năm 2022 ít kịch tính hơn nhưng kết thúc với một số xáo trộn: Trong khi FTSE 100 nhìn chung không thay đổi trong năm 2022 cho đến nay, S&P 500 giảm gần 20% và Nikkei 225 giảm khoảng 6%. Các con số tổng hợp cho thấy những thay đổi lớn, các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch vượt lên dẫn trước, trong khi cổ phiếu công nghệ - những “con cưng” của thập kỷ trước - lao dốc. Tính đến cuối tháng 11 vừa qua, chỉ số định hướng công nghệ Nasdaq giao dịch giảm khoảng 33%.

Bước sang năm 2023, thách thức tài chính có thể nhìn thấy chính là lạm phát, và liệu có hay không các “cú sốc” lãi suất tiếp theo?

Hiện tại, lãi suất ở hầu hết các nước giàu trên thế giới đều cao hơn so với mức lãi suất trong hơn 15 năm qua, vì vậy có thể các “cú sốc” lãi suất dường như đã là quá khứ. Lạm phát cũng đang giảm bớt, ít nhất là ở Mỹ, mặc dù nhiều quốc gia ở châu Âu vẫn đang phải vật lộn với chi phí năng lượng cao, nhưng tốc độ tăng giá dường như cũng đã chậm lại.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách và khác biệt giữa các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư về những câu hỏi quan trọng nhất, như: Lạm phát sẽ khó khăn như thế nào? Tỷ giá sẽ đạt đỉnh ở mức nào? Và khi nào các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu nới lỏng?

Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.
Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.

Một nguồn không chắc chắn khác là liệu nước Mỹ có rơi vào suy thoái hay không và nếu có thì khi nào? Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng, nước Mỹ có thể đã thoát khỏi nguy cơ suy thoái, nhưng dự báo tăng trưởng chậm 0,4-1% vào năm 2023 và lạm phát khoảng 2,9-3,5%. Nếu suy thoái xảy ra, các nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng. Còn theo dự đoán của các nhà phân tích, lợi nhuận có thể tăng 7,6% vào năm 2023, cao hơn nhiều so với GDP danh nghĩa.

Trong bối cảnh như vậy, lựa chọn tốt nhất cho các nhà đầu tư sẽ là những cổ phiếu an toàn với các khó khăn của thế giới. Tuy nhiên, “đây không phải là lúc chấp nhận rủi ro” - Simon Edelsten, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại Artemis Investment Management đưa ra lời khuyên trên tờ Financial Times.

Các nhà đầu tư cần bảo vệ giá trị của danh mục đầu tư theo giá trị thực trong bối cảnh thị trường được dự đoán có nhiều biến động. Giữ tiền mặt hầu như không thành công, vì lãi suất tăng không đủ để bù đắp với mức tăng cao của lạm phát. Vì vậy, đối với nhiều cố vấn, câu trả lời vẫn là tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu, bất chấp nguy hiểm.

Tuy nhiên, do lãi suất cao hơn đã làm tăng rào cản đối với việc kiếm lợi nhuận từ một danh mục đầu tư. “Mọi thứ khó khăn hơn. Cách đây không lâu, mọi khoản đầu tư đều có vẻ hấp dẫn so với lãi suất bằng 0. Bây giờ lợi nhuận kỳ vọng phải cao hơn” – Krick, một nhà đầu tư cho biết.

Cổ phiếu sắp thoát khỏi một năm khó khăn

Các chuyên gia đầu tư nhận định, nếu giá cổ phiếu tăng, một số loại hình đầu tư cụ thể sẽ được hưởng lợi.

Theo nhận định của CNBC, có những dữ liệu cho thấy, lạm phát đang chậm lại và đồng USD đang suy yếu. Cả hai dấu hiệu đều cho thấy cơ chế của FED nhìn chung đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, không có nghĩa là nền kinh tế không còn khả quan, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao 7,1%.

Jeffrey Roach - Kinh tế trưởng tại LPL Financial cho hay, một cuộc suy thoái sẽ xảy ra vào năm 2023, nhưng mọi thứ sẽ không quá tồi tệ trong thời gian quá dài. “Tôi không nghĩ sự suy giảm kinh tế sẽ nghiêm trọng. Sẽ có một cuộc suy thoái không quá 10 tháng” - ông nói.

Châu Á sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư

Trong bối cảnh hiện nay, sẽ rất khó để các ngân hàng trung ương thực hiện đúng các cam kết về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang hướng triển vọng sang thị trường châu Á, nơi đang có sự dịch chuyển rất lớn khỏi tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, do đó, sẽ đem lại lợi nhuận bền vững hơn. Trong khi đó, thị trường Mỹ, mặc dù đang bị định giá quá cao do đồng đô la Mỹ tăng giá, nhưng thị trường này được đánh giá vẫn “nhận được giá trị đồng tiền tốt hơn nhiều ở những nơi khác trên thế giới”.

Nhìn chung, việc FED có kế hoạch nới lỏng các đợt tăng lãi suất sẽ là một tin tốt cho các nhà đầu tư, ngay cả với những người bi quan. Roach cho biết: “Một khi FED ngừng thắt chặt tiền tệ, chuyển sang chính sách theo dõi và chờ đợi, thị trường sẽ thuận lợi. Năm 2023 có thể là một năm khá tốt đối với thị trường vốn".

Còn Ryan Detrick - Giám đốc chiến lược thị trường tại Carson Group thì cho rằng: “Chúng tôi không nhận thấy sẽ có suy thoái kinh tế. Số lượng người tiêu dùng có chi tiêu chiếm khoảng 70% GDP vẫn cực kỳ vững chắc”.

Theo Detrick, cổ phiếu sắp thoát khỏi một năm khó khăn. Ông nói: “S&P 500 hiếm khi giảm hai năm liên tiếp. Nếu nền kinh tế có thể tránh được suy thoái, chứng khoán có thể sẽ hồi phục quy mô lớn".

Loại hình đầu tư cụ thể nào sẽ được hưởng lợi?

Nhiều nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết, các quỹ tương hỗ và quỹ phòng hộ (chiếm 4,8 nghìn tỷ USD) chiếm tỉ lệ lớn hơn mức trung bình trong các công ty có thể hưởng lợi từ việc tránh “hạ cánh cứng” (nền kinh tế bị giảm tốc).

Những công ty này hầu hết thuộc lĩnh vực công nghiệp, vật liệu và năng lượng và tất cả đều có xu hướng nhạy cảm với những biến động kinh tế. Những loại chứng khoán này được gọi là “theo chu kỳ”, “có khả năng hoạt động tốt hơn trong giai đoạn đầu của một thị trường hồi phục”.

Ngoài ra, đối tượng hưởng lợi tiềm năng khác từ “hạ cánh mềm” (suy thoái kinh tế bị ngăn chặn) là cổ phiếu trên các thị trường mới nổi. Cổ phiếu của các công ty vừa và nhỏ cũng có khả năng hấp dẫn các công ty có vốn hóa lớn.

Ở một góc nhìn khác, Simon Edelsten cho biết trên tờ Financial Times, “các nhà đầu tư sẽ không muốn chạy theo dòng tiền, mà muốn chạy trước dòng tiền và xem các chính phủ sẽ đổ nhiều tiền vào đâu để kích thích… Rất nhiều trong số đó sẽ là các dự án xanh”. Ông trích dẫn ví dụ về pin, cần số lượng lớn để lưu trữ điện mạng. Ông thích Panasonic, tập đoàn điện tử Nhật Bản là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, đặc biệt là vì theo quan điểm của ông, đây là “một trong những cổ phiếu lớn rẻ nhất thế giới” và bị các nhà đầu tư khác bỏ qua.

“Luôn có những thứ ngoài kia dành cho những người chọn cổ phiếu” – Kirk, một nhà đầu tư chiến lược của Anh lại đưa ra quan điểm về việc nên tiếp tục tập trung vào lợi nhuận của cổ đông. Kirk cho rằng hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp các công ty ở bên “thắng lợi” (các dự án xanh), nhưng trong quá trình chuyển đổi năng lượng bị thua lỗ vì thị trường quá đông đúc khiến lợi nhuận biên không còn gì. Ngược lại, “những người thua cuộc” cuối cùng - các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch - có thể là những khoản đầu tư tuyệt vời vì họ quản lý các khoản đầu tư của mình một cách có lãi. Vì vậy, điều quan trọng vẫn là lợi nhuận cho các cổ đông.