Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

Tại Hội nghị đánh giá kết quả Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra tại Hà Nội ngày 6/4, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, năm 2022 là năm CVĐ đã đạt được nhiều kết quả mới, quan trọng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đưa hàng hóa Việt tiếp cận gần hơn với người dân.

Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng.
Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng.

Minh chứng là kết quả thăm dò dư luận xã hội do Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai vào tháng 9/2022, 94% người được hỏi cho rằng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có hiệu quả đối với thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, trong đó, tỷ lệ người đánh giá “hiệu quả cao” đạt tới 43%.

Bình luận về hiệu quả, sức lan tỏa của CVĐ, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, thời gian qua, CVĐ đã có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ban Chỉ đạo CVĐ 56/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 130.269 cuộc tuyên truyền với trên 6,9 triệu lượt người tham dự; tổ chức được 1.219 nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức 2.955 hội chợ, triển lãm, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng được 2.002 mô hình “Tự hào hàng Việt”, “Câu lạc bộ hàng Việt”, “Điểm bán hàng Việt”, “Nhận diện hàng Việt”, “Gian hàng bình ổn giá”…

Năm 2022, các đơn vị, địa phương tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, điểm bán sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam”... đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị trong nước đến người tiêu dùng.

Sở Công thương các địa phương đã tổ chức và tiếp nhận theo dõi khoảng 300 đợt bán hàng Việt về nông thôn với 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút khoảng 60.000 lượt người đến tham quan mua sắm, doanh thu mang lại khoảng 20 tỷ đồng; đã tổ chức thực hiện, tiếp nhận theo dõi khoảng 200 hội chợ, triển lãm, doanh thu bán hàng hơn 300 tỷ đồng và 70.000 đợt khuyến mại với tổng trị giá 800 tỷ đồng…

Nâng cao chất lượng, minh bạch thông tin

Mặc dù CVĐ đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng ở góc độ các nhà tổ chức vẫn cho rằng còn nhiều việc phải làm để CVĐ ngày càng thực chất, cần lan tỏa những mô hình hay cách làm sách tạo, có bài học rút ra để có giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc vận động trong năm 2023.

Đẩy mạnh cuộc vận động trên ba trụ cột

Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động đề nghị, phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên ba trụ cột: đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ; có cơ chế chính sách phù hợp với luật pháp quốc tế để kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động…

“Làm thế nào để khắc phục các hạn chế liên quan đến công tác tuyên truyền, đến năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt; đến tình trạng hàng giả, kém chất lượng. Hay những vấn đề đặt ra đối với cuộc vận động trong tình hình mới như: cuộc cách mạng 4.0 và ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; việc phát triển thương mại điện tử, công khai minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa Việt…” - bà Nguyễn Thị Thu Hà gợi mở.

Ở góc độ cơ quan nhà nước, ông Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó có nội dung thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9%. Điều này sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt.

“Thời gian tới, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, các chương trình phối hợp rộng hơn nữa với doanh nghiệp ngoài nhà nước để đẩy mạnh sử dụng hàng hóa của nhau, nâng cao hiệu quả CVĐ” - ông Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ đề nghị, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới quy trình quản lý, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; triển khai các ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt; phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; phát triển, mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng.../.