Ngày 25/2/2013, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm họp bàn đánh giá diễn biến dịch và đề ra các giải pháp phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay.

Theo Báo cáo của Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, đến nay dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 21 địa phương trên cả nước, với 67 ổ dịch. Số lượng gia cầm chết và tiêu hủy khoảng 64.000 con.

Nguyên nhân khiến dịch cúm gia cầm bùng phát là do điều kiện thời tiết ẩm ướt, các hộ chăn nuôi tái đàn lớn đã tạo điều kiện cho virus phát tán và lây lan. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 18/2 - 25/2, cả nước đã có thêm 10 tỉnh bùng phát dịch. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã không triển khai tiêm phòng đợt 2 năm 2013 và đợt 1 năm 2014 khiến khả năng miễn dịch của đàn gia cầm suy giảm…

Để hỗ trợ địa phương chống dịch, Bộ NN&PTNT đã xuất cấp 7,2 triệu liều vắc xin RE6 từ Quỹ Dự phòng cho các tỉnh chống dịch.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết: Trung bình mỗi ngày xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm mới, thời điểm cao nhất dịch gia tăng từ 4 đến 7 ổ dịch/ngày đặc biệt là sau Tết nguyên đán Giáp Ngọ. Hiện tại còn 30,8 triệu liều vắc xin, trong đó có 16,8 triệu liều vắc xin RE6 và 14 triệu liều RE5 để tiêm phòng kịp thời khi phát hiện các ổ dịch ở địa phương. Nguy cơ dịch xảy ra là rất cao nếu các địa phương không tăng cường giám sát dịch và phát hiện xử lý kịp thời trong thời gian tới dịch sẽ tiếp tục xảy ra.

họp cúm gia cầm
Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú ý báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm. Ảnh: Xuân Long

Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đều thống nhất: trong thời điểm hiện nay các địa phương tái phát dịch cúm gia cầm và chưa phát hiện cúm gia cầm tập trung thực hiện Quyết định 2088 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án phòng ngừa ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép”; tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới; tập trung chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây lan sang người như: vi rút H5N1, H7N9…

Đồng thời, tiếp tục triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm” từ nay đến cuối tháng 3. Hàng tuần các địa phương cập nhật diễn biến dịch và thông báo về Bộ NN&PTNT để Bộ báo cáo Chính phủ.

Cục Chăn nuôi cũng cho hay, trong tuần qua, giá bán gia cầm trên thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh. Cụ thể, các loại thịt gia cầm như gà trắng, gà lông màu đã giảm khoảng 3.000 đồng/kg. Hiện, gà trắng đang bán 26-27.000 đồng/kg, trước đó từ 30-32.000 đồng/kg; gà lông màu trước có giá 33-34.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 30-31.000 đồng/kg. Các hộ chăn nuôi đang phải bán dưới giá thành, chịu lỗ.

Bên cạnh đó, giá gia cầm giống cũng giảm mạnh. Giá bán gà, vịt tại các cơ sở sản xuất giống uy tín, chỉ còn 4-7.000 đồng/con, tùy loại nhưng giá tại các cơ sở ấp nở chỉ còn từ 1-2.000 đồng/con. Cục Chăn nuôi lo ngại, nếu cứ tiếp tục đà giảm như vậy, người chăn nuôi e ngại tái đàn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm, phải nhập khẩu.

Phúc Nguyên