Doanh nghiệp hưởng lợi lớn khi được công nhận chế độ ưu tiên hải quan
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

Quyền lợi gắn với điều kiện

Hiện nay, một trong những chính sách mà Tổng cục Hải quan áp dụng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao chính là Chương trình doanh nghiệp ưu tiên về thủ tục hải quan.

Để được cơ quan hải quan công nhận, doanh nghiệp phải đáp ứng khá nhiều điều kiện. Cụ thể, các điều kiện liên quan đến kim ngạch gồm: doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên; doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên; doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam từ 30 triệu USD/năm trở lên.

Đối với đại lý thủ tục hải quan, số tờ khai hải quan đã làm thủ tục hải quan đứng tên đại lý trong năm đạt từ 20.000 tờ khai/năm trở lên. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và tờ khai nêu trên là số liệu bình quân của 2 năm liên tục, gần nhất tính đến ngày doanh nghiệp có văn bản đề nghị xem xét (kim ngạch, tờ khai nêu trên không bao gồm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác).

Ngoài ra, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện khác như: tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế; thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; thanh toán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hệ thống kiểm soát nội bộ; chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán.

Khi đạt các điều kiện và được Tổng cục Hải quan công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều ưu đãi. Đơn cử, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên hoặc dự án ưu tiên, hoặc do đại lý ưu tiên đứng tên trên tờ khai được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với tất cả các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu, ở tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc.

Doanh nghiệp cũng được hưởng các ưu tiên khác như: miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; thông quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh; ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan; kiểm tra chuyên ngành; thủ tục thuế; thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ; kiểm tra sau thông quan.

Những ưu đãi nêu trên góp phần quan trọng vào thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc thông quan hàng hóa nhanh chóng; tạo được uy tín với khách hàng; giảm chi phí…

Đình chỉ nếu không tuân thủ tốt điều kiện

Doanh nghiệp hưởng lợi lớn khi được công nhận chế độ ưu tiên hải quan
Cơ quan hải quan các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh: Đỗ Quang.

Các lợi ích mà doanh nghiệp đạt được khi tham gia chương trình doanh nghiệp ưu tiên đã thể hiện khá rõ nét. Trước tiên là rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, từ đó giảm chi phí về thủ tục hành chính, giảm chi phí nhân sự, bao gồm giảm số lượng nhân viên và thời gian làm việc như: chi phí về thủ tục, hồ sơ, chứng từ, tài liệu phải nộp cho cơ quan hải quan; chi phí về đơn giản, giảm thủ tục hải quan; giảm chi phí về việc miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hóa và giảm các chi phí khác (lưu container, soi container hàng tại cảng). Theo báo cáo của các doanh nghiệp, sau khi được công nhận, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí thủ tục hành chính, phí lưu kho bãi, trung bình từ 1 - 5 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, do thông quan nhanh, các doanh nghiệp ưu tiên luôn giao hàng đúng lịch cho khách hàng như đã thông báo. Trong khi trước đây, đôi khi phát sinh việc kiểm hóa lô hàng dẫn đến kế hoạch sản xuất bị lùi lại gây ảnh hưởng tới kế hoạch giao hàng. Một số doanh nghiệp ưu tiên có chỉ số cam kết giao hàng đúng hẹn đã tăng từ 85% (trước khi là doanh nghiệp ưu tiên) lên đến 98% (sau khi là doanh nghiệp ưu tiên).

Theo ông Nguyễn Sỹ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chương trình thì việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp càng tốt hơn. Từ đó giúp cơ quan hải quan dành nguồn lực nhiều hơn để kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp, hàng hóa có rủi ro cao hơn; góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, không phải doanh nghiệp đã được công nhận thì mãi là doanh nghiệp ưu tiên và được hưởng ưu đãi. Trên thực tế, một số ít doanh nghiệp không tuân thủ tốt các điều kiện, bị cơ quan hải quan phát hiện và ra quyết định đình chỉ chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Nguyên nhân chủ yếu do tuân thủ tốt pháp luật hoặc không còn đáp ứng điều kiện tham gia chương trình.

Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp không được hưởng các ưu đãi từ cơ quan hải quan nữa mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với đối tác; đặc biệt khi Hải quan Việt Nam đã ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với hải quan các nước ASEAN và sắp tới là với một số đối tác thương mại lớn khác. Thông qua việc công nhận lẫn nhau, các doanh nghiệp ưu tiên sẽ được hưởng lợi từ tăng lợi ích kinh tế do giảm tỷ lệ kiểm tra, giảm thời gian thông quan và chi phí liên quan (chi phí lưu kho bãi, chi phí nhân công…); đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, nâng cao lợi thế cạnh tranh; tăng cường an ninh chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các quốc gia ký kết. Ngược lại là tác động tiêu cực lớn hơn nếu bị đình chỉ.

Tổng cục Hải quan luôn khuyến cáo tới các doanh nghiệp đang hưởng chế độ ưu tiên cần phải luôn có ý thức tuân thủ tốt pháp luật, đặc biệt là thực hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp được công nhận đã quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên

Cả nước hiện có 74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Trong đó có 23 doanh nghiệp Việt Nam, 15 doanh nghiệp Hàn Quốc, 15 doanh nghiệp Nhật Bản, còn lại là các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Italy, Đan Mạch…