Nêu quan điểm của một nhà quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, ông Vinh cho rằng, tương lai gần Việt Nam có nhiều thuận lợi và đi lên nhưng so với các thị trường khác thì vẫn còn nhiều điểm bất lợi. Điểm bất lợi lớn nhất đó chính là sức ì và cơ chế dựa dẫm. Nhìn chung tâm lý của doanh nghiệp, khi có khó khăn thì đều tìm tới sự giúp đỡ từ phía nhà nước, ít doanh nghiệp có kế hoạch tự thân cơ cấu lại mình và có kế hoạch sản xuất kinh doanh bền vững.

Nếu cứ tiếp tục dựa vào ngân hàng để thực thi các chính sách kinh tế thì rủi ro sẽ quay trở lại trong vòng 2-3 năm tới

nguyễn đức vinh

Ông Nguyễn Đức Vinh

Vấn đề đặt ra là tại sao lãi suất, lạm phát giảm mà nền kinh tế không đi lên? Từ đầu năm đến nay giới chuyên gia, tổ chức nghiên cứu cũng đã chỉ ra các nguyên nhân khác nhau như đầu tư, tổng cầu, cấu trúc nền kinh tế. Chính phủ cũng đã và đang rất kiên quyết và có những quyết sách hợp lý theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiến hành cải cách 3 trụ cột nền kinh tế. Trong đó, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã có những bước tiến dài, đã gom được các ngân hàng yếu và có hướng xử lý cụ thể. Tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng đã khởi động.

“Ngân hàng thừa vốn nhưng thiếu điểm đưa vốn tới. Nếu cứ tiếp tục dựa vào ngân hàng để thực thi các chính sách kinh tế thì rủi ro sẽ quay trở lại trong vòng 2-3 năm tới. Chúng ta cần quay trở lại với nguyên tắc thực thụ của đầu tư, phải cải cách cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp cần phải tự thay đổi bản thân hơn là chờ sự hỗ trợ từ phía nhà nước và phía bên ngoài", ông Vinh nêu vấn đề./.

Thái Hằng