Xác định trọng tâm, trọng điểm thanh tra trên cơ sở đánh giá rủi ro

Công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN) Kho bạc Nhà nước (KBNN) là khâu hậu kiểm cuối cùng nhằm mục đích kiểm tra tính trung thực của các hồ sơ, chứng từ phát sinh tại đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt, hiện nay KBNN đã và đang thực hiện giao dịch thanh toán trên môi trường điện tử và chuyển dần phương thức kiểm soát thanh toán tiền kiểm sang hậu kiểm trong cơ chế quản lý rủi ro, công tác TTCN càng trở nên quan trọng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS).

Đầu năm 2016, Thanh tra KBNN đã chính thức bước vào thực hiện chức năng TTCN do Chính phủ và Bộ Tài chính giao phó. Gần 6 năm thực hiện, TTCN KBNN đã dần hoàn thiện về cơ chế, chính sách và chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác TTCN ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, đã từng bước khẳng định về chuyên môn và vị thế TTCN của hệ thống KBNN.

Kho bạc Nhà nước đặt mục tiêu, đến năm 2030, mọi giao dịch qua hệ thống kho bạc đều được số hóa.
Kho bạc Nhà nước đặt mục tiêu, đến năm 2030, mọi giao dịch qua hệ thống kho bạc đều được số hóa.

Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KBNN đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, mọi giao dịch qua hệ thống kho bạc đều được số hóa. Theo đó, trong thời gian tới đây, KBNN sẽ chuyển dần phương thức kiểm soát thanh toán sang phương thức kiểm tra nội bộ, kiểm toán nội bộ và thanh tra trong cơ chế quản lý rủi ro, quản lý giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các quận, huyện và các đơn vị sử dụng ngân sách. Nhiều khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN sẽ được thực hiện theo phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau và công tác hậu kiểm được giao cho TTCN KBNN thực hiện.

Đặc biệt, trong Quyết định số 455/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 có đưa ra yêu cầu về việc hiện đại hóa công tác thanh tra – kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ của hệ thống KBNN.

Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định trọng tâm, trọng điểm TTCN của KBNN trên cơ sở đánh giá rủi ro và mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và TTCN thông qua môi trường số và hệ thống thông tin; kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển chức năng kiểm soát rủi ro; xây dựng quy chế và thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN; tư vấn, hỗ trợ việc phát triển chức năng kiểm toán nội bộ về tài chính - ngân sách tại các bộ, ngành, đơn vị SDNS và các địa phương.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành

Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra KBNN cho biết, tiến tới Kho bạc số, công tác thanh tra, kiểm tra nói chung và công tác TTCN của KBNN nói riêng sẽ được cải cách, hiện đại hóa để phù hợp với lộ trình phát triển của toàn hệ thống KBNN đến năm 2030.

Theo đó, KBNN đã đặt ra kế hoạch đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình kiểm tra, thanh tra phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện đại hóa hoạt động KBNN, đảm bảo cảnh báo sớm các rủi ro và phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm chính sách chế độ quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động KBNN; xây dựng tiện ích để khai thác dữ liệu đã được số hóa từ chương trình dịch vụ công trực tuyến của KBNN phục vụ công tác kiểm tra nội bộ. Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch này thì chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác TTCN và hiệu quả TTCN tại các đơn vị KBNN cần phải được chú trọng và nâng lên.

Phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực Kho bạc

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 468 cuộc thanh tra, kiểm tra và thanh tra chuyên ngành (trong đó có 350 cuộc theo kế hoạch và 118 cuộc đột xuất). Qua thanh tra, kiểm tra và thanh tra chuyên ngành, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 84 tổ chức, cá nhân vi phạm và đã kiến nghị xử lý tài chính 262 triệu đồng. Trong đó, thu ngân sách nhà nước 197 triệu đồng, kiến nghị khác 58 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng. Các đơn vị thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra đã nộp ngân sách nhà nước 326 triệu đồng.

Theo KBNN, công chức thực hiện nhiệm vụ TTCN KBNN là những người tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng NSNN; rà soát lại các nguồn thu, khoản chi thực hiện qua KBNN và việc triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị SDNS. Vì vậy, đòi hỏi công chức thanh tra phải có nghiệp vụ giỏi, chuyên sâu các nghiệp vụ KBNN.

Giải pháp được KBNN đưa ra là các đơn vị KBNN cần phải rà soát, lựa chọn đội ngũ làm công tác TTCN một cách nghiêm túc, đảm bảo các điều kiện về phẩm chất đạo đức, về năng lực trình độ cũng như các kiến thức chuyên môn, nhất là về kỹ năng tác nghiệp TTCN, kỹ năng tham mưu kết luận về kiến nghị xử lý các vi phạm được phát hiện qua TTCN KBNN. Ngoài ra, các đơn vị KBNN cần thường xuyên tạo điều kiện, quan tâm tới công tác bồi dưỡng, đào tạo đối với công chức làm TTCN để đáp ứng tốt các yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra.

Đặc biệt, KBNN lưu ý các KBNN địa phương cần tăng cường triển khai hệ thống thông tin hỗ trợ công tác TTCN như: Xây dựng phần mềm quản lý công tác TTCN theo đúng quy định của KBNN; các phần mềm hỗ trợ thực hiện kỹ thuật TTCN cho từng lĩnh vực kiểm soát chi (chi cho cá nhân, chi đầu tư, chi mua sắm sửa chữa…). Các phần mềm này phải được xây dựng một cách đồng bộ, kết nối, liên thông dữ liệu với nhau, số hóa toàn bộ hồ sơ tài liệu TTCN phục vụ tốt cho công tác hậu kiểm của TTCN KBNN, từ đó hình thành kho lưu trữ dữ liệu điện tử đồng bộ và xuyên suốt công tác TTCN KBNN qua các thời kỳ.