Nhiều mặt hàng được khơi thông và mở rộng xuất khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 của vùng Tây Nam Bộ đạt 15,7 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ 2023, chiếm 6,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 của cả vùng đạt 7,59 tỷ USD, tăng 15,96% so với cùng kỳ 2023, chiếm 3,57% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Cán cân thương mại của vùng 7 tháng đầu năm 2024 đạt thặng dư 8,11 tỷ USD, tương đương với 3,56% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, các địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024 là Long An (4,35 tỷ USD), Tiền Giang (3,66 tỷ USD), Đồng Tháp (1,42 tỷ USD), Sóc Trăng (1,04 tỷ USD). Các địa phương còn lại đều có mức kim ngạch dưới 1 tỷ USD.

Đồng bằng sông Cửu Long: Thúc đẩy xúc tiến thương mại để xuất khẩu vượt rào
Vùng ĐBSCL đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Ảnh minh họa.

Các tỉnh có đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thủy sản quan trọng như gạo, thủy sản (tôm, cá tra...) và rau quả trái cây như sầu riêng, thanh long, mít, xoài, quýt...

ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, ĐBSCL đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. Đây cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.

Cụ thể, vùng ĐBSCL đóng góp 56% sản lượng lúa gạo, 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu gạo chủ yếu qua các thị trường, bao gồm các thị trường xuất khẩu truyền thống trọng điểm như Trung Quốc, Philippines và Malaysia, Bờ biển Ngà; các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Liên bang Nga và các thị trường khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á như Nam Phi, Algerie, Angola, các Tiểu vương quốc Ả - Rập Thống nhất.

Về mặt hàng thủy sản, ĐBSCL hiện đứng đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Cá tra và tôm đã trở thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao và là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng.

Ngoài ra, xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh khi nhiều loại trái cây tiếp tục được khơi thông và mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường truyền thống như sầu riêng và dừa tươi sang Trung Quốc; nhãn, thanh long, dừa tươi sang thị trường Hoa Kỳ; vải, nhãn sang thị trường Nhật Bản; xoài, bưởi sang Hàn Quốc; chanh, bưởi sang thị trường New Zealand…

Ngược lại, các sản phẩm công nghiệp trong khu vực còn hạn chế chủ yếu trong một số ngành như may mặc, giầy dép. Các mặt hàng công nghiệp khác, công nghiệp chế biến trong khu vực còn ít chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của khu vực.

Khai phá dư địa đi kèm các giải pháp đồng bộ

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng, tập trung và có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đóng góp lượng lớn hàng nông sản xuất khẩu của quốc gia.

Đồng bằng sông Cửu Long: Thúc đẩy xúc tiến thương mại để xuất khẩu vượt rào
Triển vọng xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều dư địa. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn phát triển chậm so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Những nguyên nhân có thể kể đến bao gồm việc chưa có chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng thị trường. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng chưa vững chắc chắn, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài. Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chưa dựa trên giá trị. Xuất khẩu nông sản theo hình thức trao đổi thương mại biên giới (tiểu ngạch) vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... do sản xuất còn nhỏ lẻ, hàm lượng công nghệ thấp. Chưa thực sự chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao.

Song song đó, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ phát triển chưa đồng đều, cũng như còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra. Sản xuất và thị trường chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa vùng với các thị trường trong nước, giữa thị trường trong vùng với thị trường quốc tế, dẫn tới sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, khó thu hút các dự án đầu tư quy mô và dài hạn.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù đứng trước thực trạng nhiều thách thức và khó khăn nhưng triển vọng xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều dư địa, góp phần vào sự phát triển ổn định của kinh tế - xã hội khu vực.

Đầu tiên phải kể đến những kết quả đạt được từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Đảng, Chính phủ trong thời gian qua, đó chính là các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bộ Công thương đã và đang đẩy mạnh việc đàm phán và ký kết các FTA, cam kết cũng như liên kết thương mại với đối tác tiềm năng để đa dạng hóa sản phẩm lẫn thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết FTA để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu.

Theo một số báo cáo, lạm phát đang dần có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn, hàng tồn kho có xu hướng giảm và nhu cầu nhập khẩu ở một số thị trường lớn cũng có xu hướng tăng lên. Do đó, triển vọng thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2024 sẽ được mở rộng; nhập khẩu được dự báo sẽ hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã cam kết đầu tư vào hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển và sản xuất hàng hóa, giúp doanh nghiệp tăng cường năng suất và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và công nghệ mới, cung cấp các chính sách khuyến khích và ổn định để thúc đẩy xuất khẩu.

Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhận định, để đưa ĐBSCL phát triển xứng tầm thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.

Theo đó, đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp.

Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và liên kết xúc tiền thương mại quy mô vùng. Phát triển dich vụ logistics và sự phối hợp của doanh nghiệp phân phối trong hoạt động xuất nhập khẩu của vùng.

Thúc đẩy sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua, phân phối, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.