Động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Hợp tác thực chất, hiệu quả

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản (27 - 30/11) của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất - Đối tác Chiến lược Toàn diện. Như vậy, Nhật Bản đã trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện thứ 6 của Việt Nam.

Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đã đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, thông qua đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng - an ninh đến hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn tốt đẹp và mật thiết nhất trong lịch sử, đơm hoa kết trái, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước luôn coi nhau là đối tác tin cậy, gắn bó chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch, hợp tác nguồn nhân lực..., trong đó hợp tác kinh tế là điểm sáng với rất nhiều thành tựu nổi bật.

Theo tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, hai bên sẽ tăng cường đối thoại và tiếp xúc đa tầng, đa cấp; tăng cường liên kết hai nền kinh tế, bảo đảm an ninh kinh tế, thông qua tăng cường hợp tác đầu tư, ODA, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực...; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thêm dư địa cho hợp tác thương mại, đầu tư

Nhà máy sản xuất điều hòa của thương hiệu Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Daikin.

Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam. Cụ thể như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những FTA này đã và đang tạo ra khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD; năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD; 10 tháng năm 2023 đạt gần 37 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn các mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, máy vi tính và sản phẩm điện tử và linh kiện… mà Việt Nam có thế mạnh. Ở chiều ngược lại, Nhật Bản xuất khẩu chủ yếu máy móc, phụ tùng, thiết bị… sang Việt Nam.

Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 ở Việt Nam với 5.227 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 71,41 tỷ USD (lũy kế đến 20/10/2023). Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD…

Vì vậy, việc nâng tầm quan hệ đối tác Việt Nam - Nhật Bản lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện được cho là sẽ giúp cho các hoạt động đầu tư, thương mại và nhiều lĩnh vực khác như được “chắp thêm cánh” lên một tầm cao mới.

Chia sẻ đánh giá về tương lai quan hệ Việt - Nhật, trong một sự kiện gần đây, GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật cho rằng, tương lai của mối quan hệ Nhật - Việt phụ thuộc vào việc hai nước thực sự xây dựng được mối quan hệ “Đối tác bình đẳng”.

“Sự quan tâm của người Nhật đối với Việt Nam đang ở mức độ cao và đa dạng trên nhiều phương diện. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển trên thế giới vào năm 2045. Có rất nhiều điều mà mối quan hệ tốt đẹp với một quốc gia phát triển mạnh mẽ như Việt Nam mang lại cho Nhật Bản” - GS. Furuta Motoo nhấn mạnh.

Cung cấp 30 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam

Nhật Bản hiện là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng số vốn của nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam, với gần 30 tỷ USD.