Khoản đầu tư tư này là vô cùng cần thiết để khu vực này duy trì mức độ tăng trưởng hơn 6 phần trăm trong năm ngoái.- Ảnh: www.naija247news.com

Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines cần khoảng 128 tỷ USD đầu tư vào đường sá, 119 tỷ USD cho đường sắt và 33 tỷ USD cho cảng biển và sân bay đến năm 2020, theo ước tính của Goldman Sachs Group.

Bốn quốc gia này có kế hoạch 1000 tỷ USD cho chi tiêu phát triển, một phần để cải thiện khả năng vận chuyển hàng hóa đã suy giảm từ năm 2007 ở tất cả các nước , ngoại trừ Phillippines, theo xếp hạng của WB.

Khoản đầu tư này là vô cùng cần thiết để khu vực này duy trì mức độ tăng trưởng hơn 6% trong năm ngoái.

“Khu vực này cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc liên kết giao thông vận tải, để đạt được mức tăng trưởng cao hơn,” Sanchita Basu Das, nhà kinh tế của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói. “Các quốc gia này không nên trông chờ vào nguồn viện trợ giá rẻ từ nước ngoài khi Mỹ đang rút thanh khoản ra khỏi thị trường tài chính.”

Lợi tức từ trái phiếu chính phủ của các nước này đã tăng vọt kể từ tháng Năm trước lo ngại FED sẽ giảm bơm tiền, dẫn đến sự rút lui của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Bảng xếp hạng của WB cho thấy sự cấp thiết về liên kết vận tải hàng hóa khi mà các nước ASEAN đang hướng tới một cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015.

Indonesia đứng thứ 59 trong 155 nền kinh tế trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics của WB năm 2012, giảm từ vị trí thứ 43 của năm 2007. Thái Lan tụt từ thứ hạng 31 xuống 38, Malaysia từ thứ hạng 27 xuống 29 trong khi Philippines tăng lên vị trí thứ 52 từ thứ hạng 65.

Sự tắc nghẽn của hàng hóa ở cảng Jakarta là một minh chứng. Phải mất 18 tiếng đồng hồ để di chuyển được 10 km trong những ngày mưa, theo công ty vận tải AP Moeller-Maersk A/S trụ sở ở Copenhagen, chậm hơn cả tốc độ đi bộ.

Cơ sở hạ tầng là động lực cho sự phát triển kinh tế và tất cả các dự án đều được khuyến khích, Thomas Knudsen, giám đốc điều hành của Maersk Line ở châu Á - Thái Bình Dương nói. “Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, thời gian hoàn thành các dự án hạ tầng là quá dài.”

Theo ước tính của ADB, tổng tiết kiệm quốc dân của 10 nước thành viên ASEAN năm 2012 khoảng 760 tỷ USD, chủ yếu là ở các nền kinh tế đầu tầu trong nhóm.

Theo Bloomberg

Mai Linh