Phải dự báo thận trọng trong bối cảnh không lường trước được

Đánh giá về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2021, có ý kiến cho rằng, dự toán thu năm 2021 thấp nhiều so với số thực hiện. Dự toán NSNN năm 2021 là 1.358.084 tỷ đồng; quyết toán là 1.591.411 tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán.

Theo Bộ Tài chính, tại thời điểm lập dự toán NSNN năm 2021 (tháng 6-8/2020) cũng là lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 quay trở lại và bùng phát, gây thiệt hại ở nhiều nước trên thế giới, trong nước đã có thiệt hại về người tại TP. Đà Nẵng và có dấu hiệu lan ra một số địa phương (Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh,…), chưa dự báo được thời điểm kết thúc dịch bệnh.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, chưa lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách, Chính phủ cần phải dự báo thận trọng trong khâu xây dựng dự toán NSNN.

Dự toán năm 2021: Thận trọng trong bối cảnh đầy khó khăn
Thu đảm bảo theo dự toán để có nguồn chi cho các nhiệm vụ có trong dự toán và cấp bách phát sinh.

Tuy nhiên, trong năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, nhiều chính sách được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng thúc đẩy phục hồi kinh tế đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Một số ngành, lĩnh vực (xây dựng, sản xuất sắt thép, ô tô,…) đã phát sinh lợi nhuận cao, góp phần tăng thu cho NSNN.

Bên cạnh đó, năm 2021 ngành Tài chính đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN, nhất là các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản phải thu vào NSNN theo kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, trong một cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng chia sẻ, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về NSNN được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Kết quả thu năm 2021 vượt 17,2% so với dự toán, ngân sách Trung ương và cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán.

Trong bối cánh khó khăn đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123.000 tỷ đồng, trong đó miễn giảm là trên 100.000 tỷ đồng.

"Thu là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện. Nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách chỉ tăng khoảng 3,8% và như vậy hoàn toàn phù hợp với tăng trưởng kinh tế ở thời điểm đó", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói thêm.

Cũng theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, chúng ta xây dựng dự toán 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam. Nhìn ra xung quanh cả thế giới và nhiều nước trong khu vực kinh tế suy giảm rất nặng, riêng với Việt Nam, 9 tháng nước ta tăng trưởng 2,1%, thu khoảng 64%, mà nếu bình thường, 9 tháng nước ta phải thu 74-75%.

Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng, vì vậy đến tháng 9/2021, báo cáo Quốc hội, chúng ta dự báo thu ngân sách vẫn vượt dự toán. Thời điểm đó, Bộ Tài chính dự báo vượt khoảng hơn 20.000 tỷ đồng nhưng thực tế vượt trên 22.000 tỷ đồng.

Về cơ cấu, thu của nước ta dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhận định vấn đề lạm thu rất khó xảy ra bởi phải có căn cứ pháp luật để thu, “không phải muốn thu thế nào thì thu”.

“Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã áp dụng hoá đơn điện tử, số hoá nhiều hoạt động, rất minh bạch. Bởi vậy, nếu mình thu đúng, thu đủ thì số thu tăng. Có thể trước kia không minh bạch, giấu doanh thu, bây giờ đã số hoá, hoá đơn điện tử giúp Bộ quản lý nhanh hơn. Đây cũng là xu hướng lành mạnh, rất đáng ghi nhận”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.

Đã cắt giảm, tiết kiệm triệt để trong chi thường xuyên

Theo Bộ Tài chính, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý, điều hành chi NSNN năm 2021 chủ động, chặt chẽ. Trong đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Dự toán năm 2021: Thận trọng trong bối cảnh đầy khó khăn
Cơ quan thuế, hải quan không ngừng cải cách thủ tục hỗ trợ người nộp thuế và cải cách quản lý thu minh bạch, hiệu quả

Năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí NSNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn gửi báo cáo quyết toán chưa đảm bảo theo đúng quy định./.

Đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời về ngân sách

Quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về NSNN được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Kết quả thu năm 2021 vượt 17,2% so với dự toán, ngân sách Trung ương và cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán.

Trong bối cánh khó khăn đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123.000 tỷ đồng, trong đó miễn giảm là trên 100.000 tỷ đồng.