ns

Ảnh minh họa. Ảnh: Tư liệu

Dự toán thu nội địa tăng 15%

Thông tư gồm hai nội dung chính là là đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2015 và xây dựng dự toán NSNN năm 2016. Đối với nhiệm vụ đánh giá thực hiện thu NSNN năm 2015, Thông tư yêu cầu đánh giá các nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2015; tình hình thực hiện các biện pháp về thu theo Nghị quyết số 01/2015/NĐ-CP của Chính phủ; tình hình xử lý và thu hồi nợ đọng thuế; tình hình kê khai, hoàn thuế GTGT đến hết năm 2015; kết quả thực hiện thu phí, lệ phí, thu xử phạt vi phạm hành chính 6 tháng và cả năm 2015...

Đối với nhiệm vụ chi, Thông tư 102 yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển năm 2015; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi hỗ trợ phát triển năm 2015; tình hình thực hiện tín dụng đầu tư ưu đãi của Nhà nước; tình hình thực hiện dự trữ quốc gia năm 2015; đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên; đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu.

Về nhiệm vụ xây dựng dự toán NSNN năm 2016, Bộ Tài chính đặt mục tiêu huy động vào NSNN năm 2016 từ thuế, phí khoảng 18-19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ tiền sử đụng đất) phấn đấu tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Các địa phương khi xây dựng dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2016 ngoài việc phải đảm bảo các yêu cầu như đã nêu trên, phải tổng hợp toàn bộ nguồn thu phát sinh trên địa bàn. Khi xây dựng dự toán thu NSNN năm 2016 phải dựa trên cở sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2014; yêu cầu phấn đấu và khả năng thực hiện năm 2015 và số kiểm tra về dự toán thu năm 2016 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư theo PPP

Đối với việc xây dựng dự toán chi NSNN, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương cần chú ý: Việc xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển từ NSNN năm 2016 phải ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); vốn đối ứng cho các dự án ODA; bố trí vốn cho những công trình đã hoàn thành trước ngày 31/12/2015 nhưng còn thiếu vốn, các công trình chuyển tiếp cần rà soát phạm vi, quy mô đầu tư phù hợp với mục tiêu và khả năng cân đối vốn.

Các dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách đáp ứng đủ các điều kiện: nằm trong quy hoạch đã được duyệt; đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách; chậm nhất đến ngày 31/10/2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.

Đối với chi thường xuyên, các nộ, cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 của bộ, cơ quan và từng địa phương, xây dựng dự toán chi thường xuyên trên cơ sở định mức phân bổ chi thường xuyên của NSNN và chính sách, chế độ cụ thể đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, chi tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương tính theo mức tiền lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng, các khoản trích theo lương thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn./.

Phương Quyên