Theo Học viện Tài chính, hội thảo “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển kinh tế trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025” đã thu hút đựợc sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các tổ chức, đơn vị ở trong và ngoài Học viện.

Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn phát triển kinh tế
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hoá, xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu còn lớn...

Nhận thức được điều đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Vì vậy, giai đoạn 5 đến 10 năm tới là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong con đường phát triển của Việt Nam. Đại hội XIII đã đề ra một số mục tiêu cụ thể đối với phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025, như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 6,5% - 7%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP… Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần có giải pháp căn cơ nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, phân tích sâu sắc những quan điểm cơ bản của Đảng về phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế tự chủ và phát huy vai trò của thành phần kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển kinh tế nhanh và bền vững là nguyện vọng toàn dân; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện các chính sách thuế, quy định pháp lý về bảo hiểm, nghĩa vụ tài chính đất đai…

Đã có hơn 80 bài tham luận từ các chi bộ của Học viện Tài chính; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Chính sách phát triển, Đại học Quốc gia TP. Hồ chí Minh; Học viện Cảnh sát và nhiều Đảng viên từ các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài ngành Tài chính được gửi tới Ban Tổ chức hội thảo.

Các bài viết đều mang hàm lượng khoa học và thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển kinh tế trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.