![]() |
4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3,4 triệu tấn gạo, thu về 1,76 tỷ USD. Ảnh tư liệu |
Tăng xuất khẩu gạo chất lượng, thu về ngoại tệ lớn
Theo số liệu mới nhất từ Cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3,4 triệu tấn gạo, thu về 1,76 tỷ USD. Mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch lại giảm 13,3% do giá xuất khẩu bình quân sụt giảm khoảng 20%, xuống còn khoảng 517 USD/tấn. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, giá gạo đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu phục hồi trở lại, mang lại kỳ vọng tích cực cho các tháng tới. Ví dụ, gạo loại tiêu chuẩn 100% tấm đang ở mức giá 323 USD/tấn, tăng 6 USD; loại 5% tấm thu mua với giá 395 USD/tấn, tăng 1 USD; còn giá gạo loại 25% tấm ở ngưỡng 369 USD/tấn, tăng 2 USD…
Lấy ý kiến rộng rãi về sửa quy định kinh doanh xuất khẩu gạoBộ Công thương sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định trong tháng 5/2025. |
Mặc dù sản lượng xuất khẩu có xu hướng giảm, nhưng giá trị xuất khẩu gạo vẫn duy trì ở mức cao nhờ vào việc tăng cường xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao. Đặc biệt, gạo ST25 - một trong những giống gạo đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đã đạt mức giá xuất khẩu lên đến 1.200
USD/tấn, vượt xa so với các loại gạo thơm cao cấp khác trên thị trường quốc tế.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Sản lượng gạo xuất khẩu có thể giảm, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, thì ngoại tệ mang về vẫn tích cực.
Thực tế, sự tăng trưởng của gạo Việt đến từ nhu cầu bền vững của các thị trường truyền thống như Philippines và sự trở lại của khách hàng lớn là Trung Quốc. Hơn nữa, nhiều năm qua, Việt Nam đã chuyển hướng sang sản xuất gạo chất lượng cao, phù hợp với các thị trường khó tính. Ngoài ra, các quốc gia châu Phi cũng đang có nhiều kỳ vọng sẽ trở thành những nhà nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong năm nay.
Nhiều triển vọng đầu ra cho lúa gạo giảm phát thải
Các chuyên gia nhận định, với sản phẩm gạo thì thương hiệu gạo quốc gia sẽ giúp định vị vị thế sản phẩm trên trường quốc tế. Đó cũng là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của Việt Nam hiệu quả và bền vững. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu gạo cần đồng bộ gồm: sản phẩm tốt, doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn và có hệ sinh thái để gắn kết thành thương hiệu lớn. Do đó, cần có sự định hướng phát triển lâu dài và cập nhật phù hợp với xu thế mới nhất là trong các chương trình giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Liên quan về vấn đề này, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, lúa gạo từ lâu đã là ngành hàng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Tuy nhiên, ngành cũng đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường, đặc biệt là vấn đề phát thải khí nhà kính.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, canh tác lúa chiếm 48% tổng lượng phát thải khí nhà kính và hơn 75% lượng phát thải khí metan của ngành nông nghiệp. Do vậy, phát triển lúa gạo theo hướng bền vững, ít phát thải đang trở thành yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Việt Nam đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Một trong những định hướng chiến lược hiện nay của ngành nông nghiệp Việt Nam là triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 mở rộng 820.000 ha lúa phát thải thấp, giảm 30% chi phí đầu vào, tiết kiệm khoảng 9.500 tỷ đồng cho nông dân, tăng tỷ suất lợi nhuận 50% và giảm 10% lượng khí nhà kính. Ngoài ra, mô hình canh tác lúa cải tiến với kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ, quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng phân bón hiệu quả đã giúp giảm lượng giống 70 - 90%, tiết kiệm nước, giảm sâu bệnh và tăng năng suất.
Việc triển khai thực hiện đề án này thể hiện vai trò tiên phong của Việt Nam - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - trong phát triển các mô hình sản xuất lúa xanh, đồng thời được xem là bước đi mang tính chiến lược và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay liên quan tới ngành hàng lúa gạo.
TS. Cao Đức Phát - Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế nhấn mạnh, với những bước đi chiến lược, Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần vào mục tiêu giảm 30% phát thải khí metan vào năm 2030, nâng cao vị thế trên thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nhấn mạnh, ở góc độ thị trường, xu hướng tiêu dùng thế giới đang chuyển từ sử dụng lúa gạo bình thường đến đạt tiêu chuẩn giảm phát thải. Do đó, đầu ra cho lúa gạo giảm phát thải rất triển vọng.
Phải báo cáo tồn kho định kỳ, siết chặt quản lý xuất khẩu gạoBộ Công thương đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư 30/2018/TT-BCT về kinh doanh xuất khẩu gạo, với trọng tâm là tinh gọn thủ tục báo cáo, bỏ quy định không còn phù hợp, đồng thời áp dụng công nghệ trong quản lý dữ liệu ngành hàng. Một trong những điểm mới trong dự thảo lần này là điều chỉnh lại thời gian gửi báo cáo định kỳ. Cụ thể, thương nhân xuất khẩu gạo sẽ nộp báo cáo về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trước ngày 20 hàng tháng, thay vì các mốc rải rác như hiện nay; phải báo cáo định kỳ trước ngày 5 hàng tháng về lượng thóc, gạo tồn kho, phân theo từng chủng loại và phẩm cấp (gạo trắng, gạo thơm, nếp...). Dữ liệu được gửi đồng thời đến Bộ Công thương, Sở Công thương và Hiệp hội lương thực Việt Nam. Doanh nghiệp cũng sẽ phải thực hiện báo cáo tồn kho trên phần mềm điện tử do Bộ Công thương phát triển. Trong giai đoạn chuyển tiếp (từ 1/1/2025 đến khi phần mềm vận hành chính thức), doanh nghiệp vẫn phải cập nhật dữ liệu và có thể gửi báo cáo tạm thời qua email (nếu hệ thống lỗi). Dự thảo Thông tư cũng giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu xây dựng phần mềm báo cáo riêng cho ngành hàng gạo. Phần mềm này không chỉ phục vụ công tác quản lý mà còn là bước đệm cho việc số hóa ngành xuất khẩu nông sản, một định hướng lâu dài của Bộ Công thương. |