LTN

ĐB Lê Thị Nga.

Tại phiên thảo luận, đa số các ĐB phát biểu ý kiến trong buổi sáng đều ủng hộ các quy định về quyền im lặng, về việc ghi âm, ghi hình trong quá trình xét xử, rút ngắn thời hạn tạm giam…

“Suy đoán có tội” đã trở thành phổ biến

Nhấn mạnh các lý do ủng hộ quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng quyền tự nhiên của con người là quyền tự bảo vệ. Một người là thủ phạm nhưng có thể có hàng chục người bị tình nghi và bị tình nghi chưa phải là có tội. Luật cần đảm bảo quyền này cho những người bị tình nghi khi bản thân họ tự thấy chưa đủ điều kiện về nhiều mặt như kiến thức pháp luật, về thể chất, tinh thần; họ cần thời gian để bình tĩnh suy nghĩ cân nhắc, cần có người trợ giúp về mặt pháp lý để tránh tình trạng tự đưa mình vào tình thế bất lợi, tự buộc tội chính mình

Đây là một phương thức tự bảo vệ đơn sơ nhất, nhưng khả thi nhất cho người dân dù ở trình độ nhận thức pháp luật thấp nhất trước sự đối diện với cán bộ điều tra được đào tạo bài bản về thủ pháp điều tra, dầy dạn nghiệp vụ thẩm vấn. Thực hiện quyền này còn giúp giảm tối đa oan sai.

“Việc dùng mọi biện pháp (kể cả vũ lực) buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa, ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội, rồi lấy đó làm chứng cứ để buộc tội trước tòa - đây là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan sai chấn động dư luận vừa qua”, ĐB Lê Thị Nga nhận định.

Bên cạnh đó, cùng với những hạn chế của tố tụng thẩm vấn, việc phụ thuộc vào lời khai nhận tội của nghi can và "suy đoán có tội" đã trở thành khá phổ biến. Thực tế nhiều trường hợp đã biến từ "quyền trình bày lời khai" thành nghĩa vụ phải khai báo và đã từng xảy ra mớm cung, bức cung, nhục hình.

Để thực hiện tốt quy định này, ĐB Lê Thị Nga cũng đề nghị đối với các cơ quan tố tụng cần phải nâng cao năng lực, trình độ để có thể chứng minh bằng những bằng chứng khách quan ngoài lời nhận tội. Đối với bị can, bị cáo tuy có thể không trình bày lời khai, nhưng Nhà nước không khuyến khích im lặng trong suốt quá trình tố tụng, lời khai của họ còn là căn cứ để mở rộng điều tra, làm rõ nhiều tình tiết quan trọng khác của vụ án.

Đây cũng là ý kiến được các ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Lương Ngọc Thành (Hải Phòng), Trương Ngọc Vinh (Hải Phòng)…. ủng hộ.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, quyền im lặng có thể gây cản trở cho cơ quan điều tra nhưng không vì thế mà không đưa vào luật. Vì vậy, ĐB đề nghị sửa đổi triệt để các điều 40, 41, 42, 43 của dự thảo theo hướng quy định rõ quyền này.

ĐB Trương Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết từ thực tiễn thi hành luật, kết quả giám sát oan sai cho thấy có không ít trường hợp vi phạm quyền con người, bức cung, nhục hình, trọng lời khai hơn các chứng cứ khác… do vậy thay đổi như dự thảo là cần thiết, cơ quan điều tra, xét hỏi cần tăng cường điều tra, tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ chú trọng lời khai của bị can.

Cần thiết ghi âm, ghi hình 100% quá trình xét hỏi, điều tra

Quy định ghi âm, ghi hình trong quá trình xét hỏi, điều tra cũng được các ĐB đồng tình. ĐB Trương Ngọc Vinh cho rằng ghi âm, ghi hình là “100% cần thiết”, nằm trong tổng thể các biện pháp chống bức cung, nhục hình, oan sai, “cho dù tốn kém cũng phải làm để xây dựng nền tư pháp vì con người”. Vấn đề đặt ra ở đây là cần rà soát lại các thủ tục ghi âm, bảo quản, để trở thành chứng cứ của vụ án.

Theo ĐB Lê Thị Nga, quy định này nhằm đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, ghi nhận khách quan hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư; là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên nếu bị nghi can vu cáo bức cung, nhục hình và bảo vệ nghi can nếu việc bức cung, nhục hình là có thật, bảo vệ luật sư nếu bị nghi ngờ là xui cho bị can chối tội.

“Cho đến nay, ý kiến chính thức của Bộ Công an, Viện Kiểm soát tối cao, Toà án Tối cao là thống nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, Uỷ ban thẩm tra cơ bản đồng tình. Tôi cho rằng sự đồng thuận đó đã đủ cho chúng ta luật hóa quy định này như đề xuất của Ban soạn thảo. Nếu có ý kiến phản biện rằng không đủ kinh phí thì cũng cần đưa ra con số cụ thể cần bao nhiêu tiền để Quốc hội biết và phân bổ ngân sách”, ĐB Lê Thị Nga cho biết.

H.Y