PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cả lúa gạo trong nước và thế giới tháng 10 năm 2023?
Ông Dương Đức Quang: Kết thúc tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã xác lập kỷ lục 4 tỷ USD. Đây là mức cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới. Theo tôi, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu đang diễn ra thì đây quả là con số biết nói.
Thị trường lúa gạo trong nước và thế giới trong 10 tháng đầu năm nay (đặc biệt là từ tháng 6) đã trải qua nhiều lần “sốt giá”. Đáng chú ý, vào tháng 10/2023, giá gạo lại tiếp tục “dậy sóng”. Với 4 lần điều chỉnh tăng trong chỉ một tháng, giá gạo Việt vững vàng ở vùng đỉnh 15 năm, đồng thời khẳng định vị trí số 1 trong nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Dự báo giá gạo Việt Nam xuất khẩu thời gian tới còn nhiều dư địa tăng. Ảnh: TL. |
Ghi nhận của MXV cho thấy, giá gạo thô kỳ hạn tháng 11 niêm yết trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) chốt tháng 10 ở mức 317 USD/tấn, tăng khoảng 2,25% so với ngày đầu tháng.
Trong khi đó, tháng 10, giá gạo Việt Nam xuất khẩu liên tục được điều chỉnh tăng. Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, tính đến 31/10, gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức 653 USD/tấn; tương tự gạo 25% cán mốc 643 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo Việt hiện đã bỏ rất xa so với giá gạo cùng loại từ nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Gạo 5% tấm Việt Nam cao hơn 91 USD/tấn so với gạo Thái Lan, 85 USD/tấn so với gạo Pakistan. Trong khi đó, gạo 25% tấm nước ta thậm chí đắt hơn đến 116 USD/tấn so với gạo cùng loại từ Thái Lan.
Không chỉ có gạo xuất khẩu, giá lúa gạo trong nước cũng đang lên cao kỷ lục. Đặc biệt, tại miền Bắc, giá lúa gạo tăng rất mạnh. Có thể kể đến, Đài Thơm lấy từ các doanh nghiệp lớn trong nước có giá 21.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng, tương đương khoảng 5% so với tháng 9/2023 và tăng 3.000 đồng, khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Các loại gạo khác cũng tăng từ 500 - 1.500 đồng/kg so với cách đây một tháng.
PV: Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang cao hơn mức đỉnh của đợt sốt giá hồi tháng 8 năm nay và bỏ xa các đối thủ như Thái Lan, Pakistan. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này có thể tăng cao như vậy?
Ông Dương Đức Quang: Có nhiều nguyên nhân đẩy giá gạo Việt liên tiếp lập đỉnh mới trong thời gian qua, nhưng theo tôi, lý do chính đến từ lo ngại nguồn cung thế giới bị thắt chặt trong khi nhu cầu lại gia tăng mạnh mẽ.
Ông Dương Đức Quang |
Ấn Độ - đất nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới dự kiến gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 10, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái điều chỉnh. Theo một số nguồn tin nước ngoài, lệnh cấm này có thể kéo dài đến hết tháng 2 năm sau. Vì vậy, thế giới vẫn bị hụt 40% gạo từ nước này. Trong khi đó, chất lượng gạo nước ta đang ngày càng được nâng cao trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thế giới ngày càng lớn.
Mặt khác, vụ lúa thu đông của nước ta vẫn chưa bước vào cao điểm thu hoạch, dư lượng xuất khẩu đến hết năm nay không còn nhiều, chỉ ở khoảng 1 triệu tấn. Điều này càng cho thấy nguồn cung trong nước không quá dồi dào nên giá vì thế mà đi lên.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia đua nhau gom mua lượng gạo lớn để tăng dự trữ khiến nguồn cung mặt hàng này chao đảo, giá gạo tăng phi mã.
PV: Trong 2 tháng cuối năm và thời gian tới, dự báo giá gạo biến động ra sao, thưa ông?
Ông Dương Đức Quang: Tôi cho rằng giá gạo xuất khẩu của nước ta cuối năm nay và đầu năm 2024 khó có thể giảm, thậm chí còn nhiều dư địa tăng do căng thẳng nguồn cung toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, nhu cầu thu mua gạo dự trữ của nhiều quốc gia như Indonesia, Trung Quốc hay Philippines vẫn đang tương đối cao. Một số doanh nghiệp xuất khẩu còn cho biết, Indonesia chấp nhận mua gạo Việt với mức giá trên 650 USD/tấn.
Với tình hình như hiện nay, khả năng xuất khẩu đạt mức kỷ lục 7,8 triệu tấn là hoàn toàn có thể. Giá gạo xuất khẩu cũng sẽ vững vàng ở khoảng 640 - 650 USD/tấn. Tuy nhiên, việc giá gạo tăng nóng sẽ đi kèm với nhiều rủi ro. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát diễn biến của thị trường, thận trọng trong giao dịch ký kết hợp đồng và có chiến lược mua hàng một cách phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn cung trong nước không quá dồi dào nên giá đi lênÔng Dương Đức Quang cho hay, Ấn Độ - đất nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới dự kiến gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 10 nhưng đến nay vẫn chưa có động thái điều chỉnh. Vì vậy, thế giới vẫn bị hụt 40% gạo từ nước này. Mặt khác, dư lượng xuất khẩu đến hết năm nay không còn nhiều, chỉ ở khoảng 1 triệu tấn. Điều này càng cho thấy nguồn cung trong nước không quá dồi dào nên giá vì thế mà đi lên. |