Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng và phát triển nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mang đến nhiều tác động không thuận. Mặc dù chúng ta đã có Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công nhưng không thể phủ nhận hoạt động đầu tư công hiện nay vẫn còn một số tồn tại. Theo ông, những tồn tại đó nằm ở đâu?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đúng là đầu tư công còn nhược điểm. Có thể kể đến việc vẫn còn đầu tư dàn trải ở nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Xảy ra tình trạng này là xuất phát từ việc phân bổ dòng vốn đầu tư, cấp vốn đầu tư cho các dự án, kiểm tra giám sát dự án sau quá trình đầu tư đều có kẽ hở để tạo ra những thất thoát, tham ô, lãng phí trong đầu tư công. Từ đây đã khiến cho hiệu quả đầu tư công ngày càng thấp đi.

Thực tế, hoạt động đầu tư công có nhiều vấn đề chưa hợp lý và thiếu cẩn trọng, từ khâu lập dự án, xây dựng các chương trình để thực hiện đầu tư.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Bên cạnh đó, các cơ quan tập hợp nhu cầu đầu tư chỉ làm công việc tập hợp không phải người tính toán, kiểm tra dự án, cũng như đánh giá sự cần thiết và nguồn lực có thể thực hiện được dự án đó. Đặc biệt, cơ quan nắm giữ nguồn vốn cấp phát để thực hiện các kế hoạch đó là Bộ Tài chính thì lại biết đến sau cùng. Chỉ sau khi biết được các kế hoạch dự án thì mới xem xét cân đối nguồn vốn đầu tư.

Chính bất cập này đã dẫn đến khả năng đáp ứng nguồn vốn cho các dự án gặp rất nhiều khó khăn. Trong một khoảng thời gian dài, khả năng đáp ứng nguồn vốn từ ngân sách cho thực hiện dự án đầu tư công thường bị “thiếu trước hụt sau”.

PV: Thống kê việc giải ngân vốn đến hết tháng 7/2021, tuy đã có nhiều chuyển biến tốt so với thời điểm đầu năm nhưng vẫn chậm so với kế hoạch, mới đạt 35,6%. Từ góc độ chuyên gia, ông đánh giá nguyên nhân do đâu, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Về khách quan, sự bùng phát của dịch Covid-19 tại hầu hết địa phương đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Song, cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan như: chậm triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư; khó khăn trong công tác đấu thầu; vướng mắc trong công tác thi công, chờ thủ tục điều chỉnh,…

Bên cạnh đó, việc phân giao nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng như bộ, ngành cho các ban quản lý dự án chưa hợp lý. Phần nữa là vẫn thiếu sự kiên quyết, nỗ lực của người đứng đầu các cơ quan đó.

PV: Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ. Điều đó phần nào giúp tỷ lệ giải ngân gần đây có cải thiện. Để có thể hoàn thành kế hoạch, những giải pháp nào nên được tập trung, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Để thúc đẩy kết quả giải ngân, cần sự phối hợp của nhiều ban ngành cùng quyết tâm thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp.

Chúng ta phải thắt chặt kỷ luật xây dựng dự án đầu tư, phải thuyết minh và lập được dự án sơ bộ. Trong dự án sơ bộ phải được kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra giám sát và cân đối nguồn lực của nền kinh tế với nhu cầu và khả năng của hoạt động đầu tư một cách tốt nhất.

Với quy trình cấp vốn, chúng ta đang trong cuộc cách mạng 4.0 nên cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết. Cũng cần nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng không thực chất, quân xanh, quân đỏ để “bắt tay nhau” trúng thầu dẫn đến lập dự toán khống hay đưa các khối lượng công việc không phù hợp vào trong dự án.

Trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành phải được đề cao bởi từ khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định... suốt thời gian dài bị buông lỏng. Đồng thời, phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, tốt nhất, đúng vị trí vai trò của mình, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công.

Cơ chế pháp lý cũng cần được rà soát, hoàn thiện để có thể khi thực thi không khó khăn, vướng mắc.

Cuối cùng, là vấn đề “vắc-xin cho kinh tế”. Tôi cho rằng, Chính phủ cần sớm xem xét đưa ra chính sách thuận lợi, như cho phép hộ chiếu vắc-xin để các chuyên gia nước ngoài liên quan đến thi công, giám sát kỹ thuật… của các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài được nhập cảnh, với các điều kiện phòng, chống dịch chặt chẽ kèm theo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

“Trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành phải được đề cao bởi từ khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định... suốt thời gian dài bị buông lỏng. Đồng thời, phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, tốt nhất, đúng vị trí vai trò của mình, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Hồng Vân (thực hiện)