Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Esprinta (Việt Nam), Trần Thị Mơ cho biết, doanh nghiệp (DN) làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu về cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh nhưng vào thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8/2021, do nhiều tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg dẫn đến ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh. Khi đó, DN gặp khó khăn không thể lấy hàng hóa về Bình Dương để phục vụ sản xuất, nguy cơ đình trệ hoạt động là hiện hữu.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, cơ quan hải quan và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tạo điều kiện thực hiện chuyển cửa khẩu đưa hàng từ Cát Lái về cảng Sóng Thần, Bình Dương làm thủ tục thông quan. “Cuối tháng 9/2021, hơn 20 container nguyên liệu sản xuất hàng may mặc của DN đã được thông quan, DN không phải phát sinh thêm chi phí. Cơ quan hải quan cũng tạo điều kiện hỗ trợ thủ tục tối đa cho DN, khi cấp mã chuyển container từ Cát Lái về Sóng Thần, DN chỉ việc theo dõi, mở tờ khai lấy hàng tại Bình Dương...” - bà Trần Thị Mơ phấn khởi chia sẻ.

Liên quan đến việc giải tỏa ùn tắc hàng tại cảng Cát Lái, Tổng cục Hải quan cho hay, vào cuối tháng 7/2021, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã cảnh báo về khả năng quá tải tại cảng Cát Lái và “cầu cứu” các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan hải quan trong việc phối hợp giải tỏa ùn ứ hàng hóa.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và đề xuất của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương vào cuộc thực hiện các biện pháp cấp bách từ việc đơn giản thủ tục hành chính cho DN, đến việc quyết định cho phép đưa hàng hóa tại Cát Lái chuyển về tiếp nhập làm thủ tục thông quan hàng hóa tại các cảng nội địa thuộc Bình Dương, Đồng Nai…, đảm bảo hoạt động sản xuất của DN thông suốt, giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đứt gãy.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, có hiệu lực từ 30/9/2021.

Cần có chính sách đồng bộ và dài hơi

Đề cập đến tác động của Thông tư 82/2021/TT-BTC đến hoạt động của cơ quan hải quan và DN, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Dương Hoài cho hay, thông tư được ban hành là cơ sở pháp lý để cơ quan hải quan và DN thực hiện được thống nhất, đúng quy trình.

Vận hành hiệu quả tổ công tác phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp

Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19, cơ quan hải quan tiếp tục cải tiến để hướng tới hải quan phi giấy tờ, hạn chế tối đa tiếp nhận bản giấy và bản chụp tại thời điểm thông quan. Cơ quan hải quan sẽ tiến hành hậu kiểm sau khi thông quan hàng hóa.

Đồng thời, cơ quan hải quan giải quyết việc nộp, xuất trình chứng từ bản chính hiện nay có thể thay thế bằng bản scan dưới dạng file điện tử để chuyển cho cơ quan hải quan mà doanh nghiệp không cần phải đến nộp trực tiếp cho cơ quan hải quan.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thành lập Tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19 (Tổ 1080) và Tổ thường trực chống ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu (Tổ 1081) để kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục và đảm bảo thông quan nhanh hành hóa.

Theo đó, thông tư quy định hàng hóa tại cảng biển đang xảy ra tình trạng ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ được chuyển cửa khẩu về các cảng cạn trong nội địa (ICD); không phải điều chỉnh thông tin cảng đích ghi trên vận đơn; quy định về phối hợp và đơn giản thủ tục khi thay đổi cảng dỡ hàng, qua đó sẽ thuận lợi cho cả cơ quan hải quan và DN khi thực hiện.

Ông Nguyễn Dương Hoài cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan từ đầu tháng 8/2021 đến nay, Cục Hải quan Đồng Nai cũng có sự phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn luôn sẵn sàng tiếp nhận làm thủ tục cho các lô hàng được chuyển từ cảng Cát Lái về làm thủ tục tại Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện nay cảng Cát Lái không xảy ra ùn tắc hàng nên đơn vị chưa nhận được yêu cầu của DN về làm thủ tục tại Đồng Nai.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai cũng cho rằng, Thông tư 82/2021/TT-BTC chỉ có hiệu lực trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, thời gian tới khi hoạt động xuất nhập khẩu của DN phục hồi, gia tăng nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 lắng dịu thì vấn đề ùn tắc hàng tại cảng biển có khả năng xảy ra. Do đó cần nghiên cứu để có chính sách đồng bộ và dài hơi…

Tại Bình Dương, lãnh đạo Chi cục Hải quan Sóng Thần, Cục Hải quan Bình Dương cũng cho biết, triển khai Thông tư 82/2021/TT-BTC, đến nay đơn vị đã hỗ trợ và làm thủ tục thông quan hàng hóa cho 4 DN chuyển hàng từ cảng Cát Lái về Bình Dương.

Về phía DN, bà Trần Thị Mơ cũng cho rằng, thông tư của Bộ Tài chính là giải pháp hữu hiệu giảm bớt gánh nặng cho DN khi lấy hàng trong trường hợp đặc biệt, vì hiện nay, Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC chưa có quy định cho phép việc chuyển hàng hóa chưa làm thủ tục hải quan có cảng đích trên vận đơn là cảng Cát Lái được chuyển cửa khẩu về các cảng biển, cảng cạn ICD khác để lưu giữ chờ làm thủ tục hải quan.

Cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển

Thông tư 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển được thực hiện theo hình thức rút gọn, có hiệu lực kể từ ngày ký 30/9/2021 theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Đáng chú ý tại Điều 3, Thông tư 82/2021/TT-BTC quy định cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển.

Đó là các trường hợp hoạt động khai thác cảng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nằm ngoài khả năng khắc phục của cảng. Hàng nhập khẩu tồn bãi đạt trên 90% dung lượng quy hoạch chất xếp hàng nhập khẩu của cảng biển; được Cảng vụ Hàng hải xác nhận về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc. DN kinh doanh cảng biển có văn bản thông báo cho chi cục hải quan quản lý cảng biển nơi lưu giữ hàng hóa về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc kèm xác nhận của cảng vụ hàng hải.

Để giải tỏa ùn tắc hàng hóa, Thông tư 82/2021/TT-BTC quy định, hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD để lưu giữ; trách nhiệm của DN kinh doanh cảng biển, cảng cạn, ICD; trách nhiệm của hãng tàu/đại lý hãng tàu; trách nhiệm của cơ quan hải quan; quyền và trách nhiệm của người khai hải quan.

Hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển đến cảng biển khác, cảng cạn, ICD để lưu giữ theo quy định tại Điều 4 thông tư này áp dụng trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và đến thời điểm sau 15 ngày kể từ ngày tỉnh, thành phố nơi có hàng hóa vận chuyển đi kết thúc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.